![]() |
Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP HCM) phát biểu thảo luận |
Chiều 27-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Cũng giống như tại phiên thảo luận tổ về nội dung này vào tuần trước, nhiều ý kiến ĐBQH quan tâm đến việc bổ sung thẩm quyền cho điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án ít nghiêm trọng, nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cấp xã.
Góp ý, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP HCM) ủng hộ chủ trương bổ sung thẩm quyền cho điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã như dự thảo luật, nhằm tăng cường năng lực cho công an cơ sở.
Tuy vậy, bà cũng cho rằng, thực tế không chỉ đơn thuần là bố trí các điều tra viên từ cấp tỉnh về, mà cần có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn với các điều tra viên này. Đồng thời, cần chú trọng cơ chế kiểm soát quyền lực.
Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP HCM) phân tích, chúng ta sắp sửa thực hiện chính quyền 2 cấp, chỉ có cấp tỉnh và cấp xã; riêng Bộ Công an từ ngày 1-3-2025 đã bỏ Công an cấp huyện.
Do vậy, việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của điều tra viên được bố trí là Trưởng Công an (hoặc Phó Trưởng Công an) cấp xã là phù hợp, “bởi lẽ bây giờ từ xã lên tỉnh, nếu các tỉnh xa thì đi cả ngày, mà sự việc xảy ra thì phải nhanh, ngay và hiệu quả".
Dự thảo luật quy định, điều tra viên cấp xã thực hiện các việc nghiêm trọng, ít nghiêm trọng, tức là khung hình phạt tới 7 năm tù. Theo Báo cáo của Bộ Công an, sẽ bố trí tại các xã từ 6-7 Điều tra viên trong tổng biên chế Công an cấp xã.
Đại biểu Nguyễn Thanh Sang phân tích thêm, với lực lượng dự kiến của Bộ Công an như trong báo cáo, đây là lực lượng chuyên nghiệp từ Cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh và cấp huyện tăng cường, họ thực hiện thẩm quyền của Thủ trưởng Cơ quan điều tra phân công, ủy quyền nên họ có quyền khởi tố điều tra và thực hiện các biện pháp tố tụng theo quy định. Việc này cũng đáp ứng yêu cầu phân cấp, phân quyền trong tình hình mới.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng cho rằng, việc sắp xếp tổ chức bộ máy của cơ quan điều tra là vấn đề rất quan trọng, đặc biệt là việc tăng thẩm quyền cho công an cấp xã. Ông đề xuất cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung số lượng điều tra viên nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của các xã, phường sau sắp xếp đơn vị hành chính…
![]() |
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến phát biểu |
Tiếp thu, giải trình ý kiến các ĐBQH nêu ra, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, việc sửa đổi Luật lần này nhằm đáp ứng yêu cầu tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và tổ chức lại cơ quan Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân các cấp.
Riêng về việc dự thảo Luật bổ sung thẩm quyền của điều tra viên là Trưởng Công an và Phó Trưởng Công an cấp xã, theo ông Nguyễn Huy Tiến, đây là lần đầu tiên Luật quy định nội dung này và các trình tự, thủ tục được tiến hành hết sức chặt chẽ.
Ông Tiến cũng thông tin, theo báo cáo của Bộ Công an, số lượng cán bộ công an cấp xã tới đây dự kiến được bố trí mỗi xã khoảng 30-40 cán bộ; thậm chí những địa bàn trọng điểm ở Hà Nội và TP HCM, các xã, phường quy mô lớn có thể bố trí 50-60 cán bộ công an và số điều tra viên cấp xã sẽ từ 6-8 người.
“Quy định trong luật này về bổ sung thẩm quyền điều tra viên là Trưởng Công an và Phó Trưởng Công an cấp xã nhằm thực hiện một số nhiệm vụ được ủy quyền trực tiếp từ thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra và có trách nhiệm chỉ đạo các điều tra viên thực hiện nhiệm vụ” - ông Tiến cho biết.