ĐBQH: Phải chuẩn bị sẵn sàng cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia

ANTĐ - Sáng nay (23-5), Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình KT-XH cũng như các giải pháp, phương hướng để thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội năm 2014. Các ĐBQH đều ủng hộ các giải pháp của Chính phủ, nhưng đề nghị trong tình trạng hiện nay phải tập trung nguồn lực, tinh thần và chuẩn bị sẵn sàng cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Tham gia thảo luận tại tổ, đa số các ĐBQH đều bày tỏ những lo ngại về tình hình kinh tế, chính trị thế giới đang diễn ra rất phức tạp, trong khi đó Việt Nam đang phải đặt vấn đề bảo vệ chủ quyền lên hàng đầu. Các ĐBQH đều ủng hộ các giải pháp của Chính phủ, nhưng cũng đề nghị rằng, trong tình trạng hiện nay, cần phải tập trung nguồn lực, tinh thần và chuẩn bị sẵn sàng cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia. Vì thế, cần phải động viên toàn dân tăng năng suất lao động, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên để tăng nguồn lực cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, cử tri và nhân dân tin tuyệt đối vào chủ trương của Đảng, Nhà nước nhưng cần rà lại các đầu tư, ưu tiên các dự án mang tính chiến lược quốc phòng.

Đại biểu Ngân cũng đề xuất, cần phải chú trọng đến việc mua sắm đội tàu cho ngư dân bám biển. Cơ chế quản lí, bảo quản thì giao cho UBND các địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương. Theo ông Ngân: "Tôi thấy ngư dân có quyết tâm chính trị rất lớn, sẵn sàng bám biển nhưng thiếu tiền. Nếu lấy đầu tư công để đầu tư đội tàu cho ngư dân sẽ rất thành công". 

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng cho rằng: có thể đóng tàu cho ngư dân thuê để họ có thêm quyết tâm bám biển. Bên cạnh đó, ông Lịch cũng cho rằng, cần nhanh chóng thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Liên quan đến vấn đề bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng, phải chuẩn bị tình huống xấu nhất khi buộc phải tự vệ, trước mắt cần phải chuẩn bị tiềm lực, ngân sách quốc phòng. 
Ngoài các ý kiến trên, đa số các đại biểu tán thành báo cáo đánh giá về kết quả kinh tế xã hội năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 của Chính phủ. Tuy nhiên, dù nền kinh tế có chuyển biến, các đại biểu cho rằng còn chậm, còn nhiều tồn tại cần tập trung giải quyết trong các tháng cuối năm.
Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) cho rằng: tình hình kinh tế còn nhiều tiềm ẩn dù chính sách vĩ mô ổn định. Những ngày đầu tháng 5, biến động về tình hình biển Đông đã ảnh hưởng nhiều đến một số lĩnh vực. 

Chiều nay, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh;
 Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.