ĐBQH bày tỏ lo ngại khi ngày càng có thêm những “dòng sông chết”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Góp ý về dự thảo Luật Tài nguyên nước, ĐBQH Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) bày tỏ quan ngại khi ngày càng có thêm những “dòng sông chết”, đồng thời cho rằng việc phục hồi nguồn nước là rất cấp bách…
ĐBQH Tráng A Dương phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội

ĐBQH Tráng A Dương phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội

Chiều nay, 20-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước. ĐB Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) bày tỏ quan ngại khi ngày càng có thêm những “dòng sông chết”.

Ông cho rằng, việc phục hồi nguồn nước là rất cấp bách, nhưng cần có kinh phí lớn, sự tham gia nhiều bộ ngành, tổ chức cá nhân. Do vậy, đại biểu đề nghị quy định rõ cơ chế chính sách tài chính cho việc bảo vệ, phục hồi nguồn nước, nhất là việc chi trả chi phí dịch vụ môi trường rừng.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Văn Thi (đoàn Hải Dương) góp ý, các tổ chức sử dụng nước hạ lưu cần đóng góp nhiều hơn để có nguồn lực cho các địa phương ở thượng lưu trồng và bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng.

“Đề nghị ưu tiên sử dụng tiền cấp quyền sử dụng nước để tăng nguồn lực, tăng mức hỗ trợ cho người dân thượng nguồn bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn sinh thủy” - ông Thi nói.

Vị đại biểu này cũng đề nghị bổ sung chính sách khuyến khích đơn vị, cá nhân đầu tư vào công nghệ để tăng cường tái sử dụng nước, đa dạng các nguồn nước…

ĐB Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP. HCM) đề nghị, trong Luật Tài nguyên nước cần bổ sung rõ hơn vai trò của chính quyền các địa phương trong quản lý, phục hồi nguồn nước, giải quyết các tranh chấp về tài nguyên nước.

Còn ĐBQH Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hóa) góp ý vào nội dung cần lấy ý kiến về quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông.

Theo ông Sơn, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông có ảnh hưởng rất lớn đến quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức có sử dụng nước trong phạm vi quy hoạch.

Đặc biệt, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt đang diễn ra bình thường có thể sẽ phải chấm dứt hoặc điều chỉnh với chi phí lớn chỉ vì sự thay đổi của quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông.

Những nguy cơ thay đổi đột xuất này làm giảm tính ổn định của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, làm giảm khả năng thu hút đầu tư và phát triển kinh tế đất nước.

Do vậy, ĐB Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định trong trường hợp quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông làm thay đổi quyền sử dụng nguồn nước, thì cần phải lấy ý kiến của đối tượng đang khai thác, sử dụng nguồn nước đó.