Dạy tiếng Anh tiểu học: Vừa chạy vừa xếp hàng

ANTĐ - “Vừa chạy vừa xếp hàng”, “vừa hành quân vừa chiến đấu” là cách phản ánh của giáo viên hay các nhà quản lý khi được hỏi về khó khăn trong việc triển khai thí điểm dạy tiếng Anh tiểu học theo chương trình mới của Bộ GD-ĐT.

Ảnh: NLĐ


Cả tỉnh chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn

Giáo viên được coi là cốt lõi cho sự thành công của chương trình dạy tiếng Anh tiểu học đang được triển khai trên cả nước. Tuy nhiên, ngay cả Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh thì trình độ giáo viên vẫn là điểm yếu trong việc triển khai chương trình này. Hà Nội khi triển khai thí điểm năm học 2010 - 2011, chỉ 9 giáo viên của 9 trường đủ điều kiện dạy thí điểm  trong số hơn 20 giáo viên được cử đi kiểm tra lấy chứng chỉ theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Với số lượng như vậy, Hà Nội chỉ có 8 trường tham gia chương trình thí điểm trên tổng số gần 690 trường tiểu học, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết. Là một trong 20 tỉnh được tham gia thí điểm chương trình tiếng Anh tiểu học, Sở GD-ĐT Ninh Bình cho biết, sở dĩ địa phương này chỉ có một trường tham gia thí điểm vì cả tỉnh khi đánh giá giáo viên tiếng Anh thì chỉ có duy nhất một giáo viên đạt chuẩn B2 theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT.

Để giải quyết khó khăn về trình độ giáo viên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT Lê Tiến Thành cho biết, năm học này, những giáo viên đạt trình độ B1 cũng có thể được lựa chọn tham gia dạy tiếng Anh chương trình mới, tuy nhiên, địa phương phải đảm bảo để những giáo viên này đạt chuẩn B2 trong năm học này.


 “Khó nhưng vẫn làm”

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển về việc triển khai tiếp tục chương trình tiếng Anh tiểu học trong năm học mới 2011-2012. Theo đó, năm học này, Bộ sẽ tổ chức thí điểm sách Tiếng Anh 4 tại 94 trường đã dạy thí điểm năm học 2010-2011, các tỉnh khác có thể tổ chức thí điểm tự nguyện để rút kinh nghiệm. Việc triển khai sách Tiếng Anh 3 sẽ thực hiện tại các trường có giáo viên đã đạt trình độ cận với chuẩn B2.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, cơ sở để Bộ mở rộng triển khai chương trình này là kết quả tương đối khả quan sau một năm triển khai dạy thí điểm chương trình thí điểm Tiếng Anh tiểu học. “Có 97% giáo viên khẳng định chương trình là phù hợp với việc dạy học tiếng Anh bậc tiểu học tại Việt Nam” - Thứ trưởng cho biết. Chương trình này cũng được đánh giá cao về cách thức tổ chức hoạt động dạy học bằng tiếng Anh phong phú, thân thiện, phù hợp với học sinh. Kết quả đánh giá theo trình độ chuẩn A1 đối với học sinh lớp 3 cho thấy các em năng động, tự tin hơn trong giao tiếp bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt với tỷ lệ số bài đạt điểm khá giỏi ở nhiều nơi lên tới 70%, học sinh được chọn ngẫu nhiên hỏi thi từ các chuyên gia nước ngoài và chuyên viên tiếng Anh của Bộ và Sở đều được đánh giá cao ở khả năng nghe hiểu.


Không hy sinh chất lượng

Mặc dù kết quả đem lại của chương trình cho thấy sức hấp dẫn với cả giáo viên, học sinh và phụ huynh nhưng Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ không yêu cầu triển khai đồng loạt ở các địa phương. “Nơi nào đủ điều kiện mới được triển khai để đảm bảo yêu cầu không vì số lượng mà hy sinh chất lượng, không nhất thiết phải mở rộng ngay” - Thứ trưởng khẳng định. Theo đó, hai điều kiện căn bản để có thể tiến hành thực hiện tốt đó là việc dạy học 2 buổi/ngày và chuẩn bị tốt đội ngũ giáo viên có đủ trình độ ngoại ngữ và năng lực sư phạm.

Đối với chỉ đạo được cho là “mềm hóa” của Bộ cho phép địa phương sử dụng giáo viên cận chuẩn tham gia chương trình dạy tiếng Anh tiểu học, ông Lê Tiến Thành cho biết, Bộ đã đưa thêm ràng buộc cuối năm học những giáo viên này phải đạt trình độ B2. Để đạt được điều này, giáo viên sẽ phải tự phấn đấu nhưng đồng thời phía Bộ cũng cho biết sẽ có những hỗ trợ, tư vấn cho địa phương để tạo điều kiện cho giáo viên đạt chuẩn. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết, Bộ sẽ rà soát lại cơ chế chính sách để đảm bảo quyền lợi của giáo viên khi tham gia chương trình dạy tiếng Anh tiểu học bởi với tiêu chuẩn cao B2 tương đương với chuẩn quốc tế như 500 điểm TOEFL thì giáo viên phải tự bỏ ra nhiều công sức để đạt được và để giữ chân được những giáo viên này thì cần có các chính sách đãi ngộ tốt hơn.