“Đấu tranh với tội phạm phải theo kịp diễn biến tình hình”

ANTĐ - Được ghi nhận đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu nhiều lĩnh vực công tác các tháng đầu năm 2011, tuy nhiên, yêu cầu quan trọng mà Ban Giám đốc CATP Hà Nội đặt ra đối với lực lượng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV, là phải bám sát diễn biến tình hình tội phạm để có đối sách, phương pháp hợp lý.

CSKT Hà Nội xử lý vụ kinh doanh rượu lậu


Hiệu quả chưa đồng đều

Phó Giám đốc CATP, Đại tá Đinh Vản Toản chỉ rõ thực tế này của lực lượng Cảnh sát kinh tế CATP Hà Nội qua các lĩnh vực công tác 9 tháng đầu năm 2011. Nhiều chỉ tiêu giao đã đạt và vượt; nhiều vụ án kinh tế được khám phá, xử lý, được dư luận đánh giá cao; nhiều kiến nghị, đề xuất đến cấp có thẩm quyền để chấn chỉnh, khắc phục thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước đã được CSKT Hà Nội gửi đi; tuy nhiên, sự chưa đồng đều đã bộc lộ qua hiệu quả công tác ở các đơn vị. Chủ động, đều đặn và đạt được nhiều kết quả nhất mới chỉ có đơn vị cấp phòng. Còn lại, nhiều quận, huyện, các chỉ tiêu được giao đạt thấp. Điều này cũng bộc lộ qua việc chậm phát hiện, xử lý, để xảy ra nhiều vi phạm và tội phạm về kinh tế.

Theo Thượng tá Phan Cao Thu - Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV, các tháng đầu năm, địa bàn Hà Nội hình thành và lây lan khá mạnh các hành vi phạm tội của tội phạm kinh tế - chức vụ, như lừa đảo chiếm đoạt tài sản (trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, bất động sản, vay vốn ngân hàng…), các vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, hoạt động buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại… Tuy nhiên, những chuyên án, vụ án lớn được khám phá vẫn chủ yếu do các đội nghiệp vụ của Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV phát hiện, tổ chức điều tra, khởi tố. Thực tế này một phần do biên chế lực lượng CSKT nói riêng của các quận, huyện còn thiếu. Song cũng do nhận thức, do công tác chỉ huy, chỉ đạo của lãnh đạo nhiều đơn vị còn thiếu sâu sát, bài bản.

“Đánh” mạnh những vi phạm “nhạy cảm”

Bắt đầu ngay từ những ngày trung tuần tháng 10 này, Ban Giám đốc CATP xác định với toàn lực lượng CSKT tăng cường, chú trọng công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng; vàng- ngoại tệ; tiếp tục thực hiện hiệu quả NQ 11/CP của Chính phủ. Cụ thể hóa nhiệm vụ, yêu cầu này chính là Kế hoạch số 193 của CATP vừa được quán triệt đến các lực lượng CSKT, An ninh kinh tế, công an các quận, huyện. Đại tá Đinh Văn Toản đánh giá: “Hoạt động buôn lậu vàng, ngoại tệ thời gian qua có thể thấy có dấu hiệu gia tăng, diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó là những vụ, hành vi vi phạm nghiêm trọng chính sách về tài chính - ngân hàng. Các đối tượng đã hình thành đường dây, tổ chức chặt chẽ, hoạt động với nhiều phương thức thủ đoạn và trong chừng mực nào đó, nhiều địa bàn còn chưa nhận thức, chưa theo sát được với biểu hiện vi phạm”.

Kế hoạch số 193, chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP vừa là sự nhìn nhận nghiêm túc, thẳng thắn những tồn tại ở nhiều đơn vị, vừa đưa ra những định hướng, đối sách trên mặt trận giữ vững sự ổn định kinh tế, thị trường, đặc biệt không e ngại, không “tránh” những vấn đề vốn lâu nay được xem là “nhạy cảm” như ngân hàng, chứng khoán, tài chính... Theo sát diễn biến tình hình để đánh trúng, đánh đúng đối tượng, vi phạm, để ngăn chặn kịp thời những biểu hiện, hành vi có thể gây phức tạp đến thị trường, nền kinh tế, đó là yêu cầu được Ban Giám đốc đặt ra.

Làm được như vậy, đòi hỏi lực lượng CSKT vừa có sự chủ động, vừa phải tăng cường hơn nữa sự phối hợp với các lực lượng ngoài ngành như Quản lý thị trường, Hải quan, Thuế. Bên cạnh đó, phải tổ chức đánh giá, sơ kết, rút kinh nghiệm những chuyên đề, kế hoạch đã xây dựng, triển khai, nhất là phải kiểm điểm, đánh giá được những tồn tại, đưa ra biện khắc phục để đạt hiệu quả hơn nữa. Yêu cầu quan trọng nữa là sự đồng đều về nhận thức, kiến thức và hành động của CBCS lực lượng CSKT từ cấp phòng đến quận, huyện, thị xã. Khi đã đạt được sự đồng đều này, những vi phạm, tội phạm sẽ bị phát hiện, xử lý sớm. Và thế trận phòng ngừa cũng sẽ được thiết lập.