Đầu tàu đuối sức

ANTĐ - Con tàu kinh tế châu Á - niềm hy vọng cho sự phục hồi của kinh tế thế giới không còn ở vị thế thuận lợi như trước cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ hồi năm 2008 và có thể khu vực này đang bước vào thời kỳ suy giảm. 

Các đại biểu Diễn đàn kinh tế Davos trầm ngâm khi bàn về triển vọng kinh tế thế giới

Quả thực, nhìn từ đông sang tây, bức tranh châu Á đang nhuốm màu xám. Hàn Quốc, một nền kinh tế lớn tại khu vực Đông Á, đang gặp nhiều khó khăn. Do xuất khẩu đi xuống, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2012 của Hàn Quốc xuống còn 3%, thấp hơn so với con số ước tính 3,5% đưa ra trước đó.

Triển vọng kinh tế Hồng Kông cũng không mấy sáng sủa. Các chuyên gia phân tích đã nói đến khả năng kinh tế Hồng Kông tăng trưởng 2% trong năm 2012, thấp hơn nhiều so với con số 5% của năm 2011. Với “con rồng” Singapore, trong bài phát biểu đầu năm 2012, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhắc lại dự báo tăng trưởng kinh tế ở nước này chỉ ở mức 1 - 3% trong năm 2012, thấp hơn nhiều so với con số kỷ lục 14,5% năm 2010.

Các nền kinh tế châu Á đã từng vượt qua thách thức do tác động của cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone, làm dấy lên nhiều niềm hy vọng. Nhưng trong tình cảnh phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu bên ngoài nên khi kinh tế toàn cầu vẫn đang trong giai đoạn nguy hiểm, thì việc châu Á phải đối mặt với triển vọng tăng trưởng ảm đạm là điều đương nhiên. Các thị trường xuất khẩu lớn của châu Á là Mỹ và châu Âu chưa hoàn toàn phục hồi, kéo theo sản xuất ở châu Á sụt giảm. 

Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, nguy cơ suy giảm của các nền kinh tế châu Á lần này còn xuất phát từ hai nhân tố từng được coi là tích cực giúp các nền kinh tế châu Á phục hồi nhanh sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu phục hồi, bất chấp sự trì trệ của các nền kinh tế phát triển. Đó là chi tiêu của người tiêu dùng trong nước tăng nhanh và dòng vốn nước ngoài lớn đổ vào các nền kinh tế châu Á.

Nay mọi việc đã khác trước. Hơn 750 tỷ USD mà giới đầu tư từng đổ vào các nền kinh tế châu Á mới nổi từ năm 2009 đã bắt đầu rời khỏi các nền kinh tế này. Nếu các nhà đầu tư hoảng loạn rút vốn khỏi châu Á, các hoạt động kinh tế có thể bị tê liệt. Chẳng hạn, Indonesia đã “mất” 5% tổng dự trữ ngoại tệ, tương đương với 5 tỷ USD, chỉ trong tháng 5 khi nước này bảo vệ đồng nội tệ rupiah trước sức ép của các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi nước này.

Bên cạnh đó, các nền kinh tế châu Á còn bị phụ thuộc ngày càng lớn vào nhu cầu trong nước. Trước đây, tăng trưởng tín dụng mạnh và giá tài sản cao hơn đã làm tăng nhanh nhu cầu trong nước. Hiện nay, trong bối cảnh nợ ngân hàng tăng, giá nhà và các bất động sản khác giảm mạnh, các chi tiêu của người tiêu dùng ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông cũng giảm, tăng trưởng của châu Á đương nhiên bị ảnh hưởng.

Việc kinh tế châu Á đuối sức đang là điều đáng ngại cho triển vọng phục hồi của kinh tế toàn cầu trong tương lai.