Đâu phải chị chồng đều “khó” với em dâu

ANTĐ - Đến giờ, tôi vẫn cảm thấy tự hào, vì có người chị chồng tuyệt vời như thế. Có lần, tôi nói với chị về điều đó, thì chị cười: Chị cũng đi làm dâu. Giờ chị đối xử với em dâu tốt thì chị gái của anh rể cũng đối xử tử tế với mình.

Ông bà ta từng nói: "Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng" để chỉ mối quan hệ không hề đơn giản của chị dâu - em chồng và chị chồng - em dâu. Thế nhưng, nhiều người đã ứng xử khéo léo, tế nhị và có sự cảm thông lẫn nhau, đã khiến cho những điều "không thể" thành "có thể". Những người chị chồng không những trở thành người chị mà con là "đồng minh” của những cô em dâu vừa bước chân về nhà chồng.

Yến là bạn thân của tôi từ những năm học cấp ba. Hết đại học, Yến ra trường, đầu quân cho một công ty nước ngoài có thu nhập khá cao. Cũng thời gian đó, Yến quen và yêu Huy, quê Hưng Yên, vốn là trưởng phòng của cô. Hồi hai người còn yêu nhau, Huy hay tâm sự với Yến về người chị gái mà anh hết lòng yêu thương, tôn trọng. Chính vì thế, trong những câu chuyện Yến kể cho tôi cũng có bóng dáng của chị gái Huy. Đến khi cưới, và về làm dâu nhà Huy, thỉnh thoảng tôi vẫn nói chuyện với Yến qua điện thoại, qua chát. Và lúc nào, Yến cũng hào hứng "khoe" về người chị chồng của mình bằng giọng nói hồ hởi, tự hào và ngưỡng mộ.

Câu chuyện của Yến kể về người chị chồng đáng kính luôn khiến tôi tò mò, hứng khởi:

"Chị gái của Huy hơn anh 5 tuổi, hiện đang là phóng viên tại tỉnh nhà. Tôi biết chị qua những lời kể của anh từ hồi còn yêu nhau. Anh bảo, chị là một người tuyệt vời. Từ bé, chị đã biết vai trò và trách nhiệm của người chị cả trong gia đình. Mẹ sinh nở muộn. 37 tuổi, bà mới sinh chị là con gái đầu lòng. 42 tuổi, bà cố gắng mới có được đứa con trai thứ hai. Bố công tác xa nhà, có năm không được về quê đón Tết, chỉ có mẹ ở nhà chăm sóc hai chị em. Những ngày bố xa nha đi công tác, mẹ và chị thay nhau chăm sóc Huy. Huy được sự quan tâm, yêu thương của cả chị và mẹ từ nhỏ. Năm lớp 3, quần áo anh mặc đều do chị mua sắm lấy. Chị mua tất cả đồ dùng học tập cho anh, thêm sách tham khảo hay truyện thì mẹ sẽ giúp đỡ. Mẹ bận rộn vừa dạy học vừa lo công chuyện gia đình, việc dạy và kèm em học được mẹ giao cho chị.

Huy "nhiễm" tính cách của chị từ bộ sách được cất gọn gàng, từ những con số viết sạch sẽ đến cả thói quen đọc một câu chuyện trước khi đi ngủ. Mỗi khi nghịch ngợm bị mẹ mắng, Huy thường ôm lấy chị gái, vừa ngủ vừa dấm dứt khóc. Kể cả sau này lớn lên, chuyện tình yêu, Huy cũng tìm đến chị để tâm sự, tìm lời động viên, an ủi.

Chị thi đỗ vào trường báo chí, rồi ra trường, công tác tại một tòa soạn báo ở Hà Nội. Thỉnh thoảng, Huy được chị cho đi cùng làm "xế ôm" trong những chuyến công tác.

Trong mỗi chuyến đi, chị dạy cho cậu em trai của mình biết thương cảm với những mảnh đời bất hạnh, biết trân trọng giá trị và cuộc sống đang có. Anh cũng "nhiễm” cả những sở thích rất riêng của chị, vốn khá sâu lắng và nhẹ nhàng, những quyết liệt và mạnh mẽ. Kể cả bây giờ, khi tôi trở thành em dâu của chị, tôi cũng bị cuốn hút bởi tính cách đó của chị.

Năm anh Huy đỗ đại học, chị chuyển công tác về tỉnh Hưng Yên để "tiện đường chăm sóc bố mẹ đã có tuổi". Rồi chị lấy chồng, sinh con, ở cùng với bố mẹ chị. Cuộc sống ngập tràn tiếng cười, hạnh phúc, ấm cúng. Huy hay kể cho chị nghe về những cô gái đã bước vào trái tim anh, trong đó có tôi. Cô gái nào, chị cũng được "xem mặt" để “chấm điểm”. Hôm đó, anh bảo tôi có chị gái lên chơi. Tôi bất ngờ và rất lo lắng, chỉ sợ bị mất điểm trước cái nhìn sắc sảo của chị. Thế nhưng, buổi gặp đầu tiên, chị khiến tôi cảm thấy rất thoải mái bởi lối nói chuyện hài hước, dí dỏm và thân mật của chị. Sau này, Huy mới thành thật với tôi rằng, chị đã chấm cho tôi điểm cộng. Hôm ra mắt bố mẹ chồng tương lai, chị còn động viên và luôn khiến cho không khí thoải mái trong cả buổi gặp gỡ. Tôi thấy gia đình anh thật gần gũi.

Nói thế thôi chứ đến lúc chúng tôi kết hôn, tôi cũng phân vân, vì hình ảnh chị quá lớn trong chồng tôi. Tôi lo lắng anh sẽ so sánh tôi với chị. Tôi cũng sợ, nếu sau này có chuyện gì, anh sẽ đứng về phía chí và quên bẵng, bỏ bê tôi. Sự đời, chị chồng - em dâu vốn đã khó để hòa hợp, dù trước đây, chị có tuyệt vời đến bao nhiêu, nhưng con người vẫn luôn có tính ích kỷ cố hữu. Trước nay, anh luôn nghe lời chị. Đoán biết được ý tôi, chị kheo léo để tôi hiểu, chị đặt niềm tin vào tôi sẽ chăm sóc em trai chị, ở bên cạnh khi chị đã yên bề chồng con.

Đám cưới tôi, chị kéo tôi đi may một bộ váy cưới làm quà. Chị bảo, trước đây, chị thích được tặng váy cưới mà chưa ai tặng, giờ chị tặng lại em dâu tương lai. Rồi chị xởi lởi cười. Tôi vừa thẹn vừa thương chị. Chị bảo, gia đình chị sống khá nề nếp. Bố chị còn gia trưởng nên dù sau này không ở cùng bố mẹ chồng (vì chúng tôi công tác ở Hà Nội), tôi vẫn phải cố gắng thu xếp thời gian về quê để sum vầy vào cuối tuần, nhất là khi Huy lại là con trai duy nhất trong nhà.

 

Cuối tuần, hai vợ chồng tôi vượt hơn 50km về quê nội. Thấy tôi chưa chú ý đến ăn mặc, vẻ bề ngoài còn quê mùa, chị dẫn tôi ra hiệu làm tóc gần nhà, để sửa sang lại kiểu tóc. Rồi chị đưa tôi đi mua quần áo. Chị bảo, "phụ nữ dù hi sinh vì chồng con cũng không được quên nhiệm vụ chăm sóc mình”. Ngoài việc biến mình thành một người phụ nữ biết chăm chồng, yêu con, quý trọng, chu đáo với hai bên nội ngoại, thì còn cần biết chăm chút đến nhan sắc của mình. Làm đẹp để mình tự tin và để bảo vệ hạnh phúc của mình nữa". Chồng tôi cũng thấy vui khi hai chị em cứ quấn quýt lấy nhau như thế.

Trên những chuyến công tác của mình, chị chồng tôi còn thường xuyên làm từ thiện.

Không hiểu bằng cách nào, chị lôi kéo được ông chồng vốn sống khép kín của chị tham gia hoạt động từ thiện cùng chị. Có hôm, anh chị để con cho ông bà trông để đi tổ chức trung thu cho các cháu thiếu nhi ở trung tâm dạy nghề cho trẻ tàn tật. Tôi thấy hai anh chị rủ nhau đi tiền trạm trước, chụp ảnh trước rồi khoe với cả nhà. Tôi thủ thỉ hỏi chị về nghệ thuật khiến anh rể "biết nghe lời" thì chị cười sảng khoái: "Sống chung cũng có nhiều lúc giận nhau, cãi nhau nhưng phải lựa lời, lựa thời mà nói, mà làm lành. Mình là phụ nữ, mình có cái tinh tế và khéo léo mà đàn ông không có đâu, em ạ".

Đến giờ, tôi vẫn cảm thấy tự hào, vì có người chị chồng tuyệt vời như thế. Có lần, tôi nói với chị về điều đó, thì chị cười: Chị cũng đi làm dâu. Giờ chị đối xử với em dâu tốt thì chị gái của anh rể cũng đối xử tử tế với mình. Em là người hiền lành, chịu khó và cũng biết cách chiều chồng, yêu con nên chị cũng chẳng phàn nàn được gì"

Nghe xong, tôi cũng bất ngờ với cách ứng xử của chị chồng Yến. Tôi cũng gặp nhiều trường hợp, những người chị chồng không hài lòng với em dâu, nên thường xuyên bóng gió, gây mâu thuẫn trong gia đình. Đến nỗi, cô em dâu không chiu đựng được đã bỏ về nhà mẹ đẻ và hôm sau tuyên bố ly hôn. Có những chị chồng phán xét cả cách sống, cách ăn mặc của em dâu, rồi nhỏ to noi xấu em dâu với mẹ chồng, khiến cho xung đột mẹ chồng - nàng dâu càng thêm gay gắt... Quả thực, quan hệ chị chồng - em dâu vốn căng thẳng bao đời nay. Nhưng thực tế, nếu mỗi người có một cách ứng xử tế nhị, khéo léo thì mọi xung đột hóa giải thành những tiếng cười.

Nhiều nàng dâu mới về nhà chồng thường chỉ đặt mục tiêu vào bố mẹ chồng. Tâm lý chỉ cần hết lòng yêu thương, chiều bố mẹ chồng thì sẽ được đền đáp lại xứng đáng. Người chị chồng thấy em dâu thương yêu bố mẹ mình sẽ đối xử tốt với mình. Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy. Có nhiều nàng dâu đã cảm thấy rất thất vọng khi mình yêu thương, tận tâm vì gia đình chồng nhưng vẫn bị chị (em) chồng "thọc gậy bánh xe" nói xấu, bóng gió chê trách, cố tình gây ra sóng gió gia đình. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, đối với những bà cô chồng khó tính, các nàng dâu cũng cần phải xác định rõ ràng về thái độ và tâm lý. Vai trò và vị trí của người con dâu trong gia đình cũng vô cùng quan trọng. Các nàng dâu ngoài việc phụng dưỡng bố mẹ chồng, chăm sóc chồng chu đáo, cũng có thể kéo cả những người đó làm "đồng minh” của mình. Đôi khi, các cô em dâu có thể khéo léo từ chối một số việc chung của gia đình và nêu ý kiến của mình để được nhận sự thông cảm, sẻ chia từ nhà chồng.

Các chị chồng nên coi em dâu là người sẽ đảm đương nhiệm vụ chăm sóc bố mẹ và em trai thay mình suốt phần đời còn lại, để có thái độ ứng xử khéo léo, tế nhị, gần gũi hơn, tạo một không gian sống hòa hợp, hạnh phúc.