Đâu lại vào đấy

ANTĐ - Càng gần đến tết, chuyện lương, thưởng tết càng trở nên vấn đề “thời sự” từ những người làm công ăn lương nhà nước cho tới người lao động trong các xí nghiệp, doanh nghiệp, công ty. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhất là sau một năm lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng vượt ngưỡng và chạm đỉnh, dường như mức độ chênh lệch lương, thưởng lại càng rõ nét hơn ngay trên một mặt bằng xã hội, thậm chí ngay trong một khu công nghiệp hay trong một doanh nghiệp. Đây được ví như “ngọn sóng” cồn dễ nhận thấy về sự cao thấp thu nhập, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.

Sau hai năm triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, trên địa bàn Hà Nội đã tiếp nhận 20.200 lao động đến đăng ký thất nghiệp. Riêng năm 2011 là 16.000 người, tăng gấp 3,8 lần so với năm 2010. Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, nguyên nhân dẫn đến số lao động thất nghiệp gia tăng là do có nhiều biến động do lạm phát tác động đến các doanh nghiệp, nhất là ngành sản xuất và gia công xuất khẩu. Càng gần đến cuối năm, số người lao động thất nghiệp càng gia tăng. Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thành phố cảnh báo: “Lao động đến đăng ký thất nghiệp rải rác từ quý III, nhưng tăng đột biến vào cuối năm. Với tình hình này, dự báo trong năm nay số lao động thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng lên”.

Ngoài ra, việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực nội thành cũng khiến nhiều lao động phải thôi việc, bỏ việc. Đáng lo ngại, bên cạnh số lao động phổ thông, còn có khoảng 10% lao động có trình độ cao, thậm chí có cả những người nắm các vị trí quản lý cũng đăng ký trợ cấp thất nghiệp. Số lao động này thường làm ở các dự án, tổ chức liên doanh nước ngoài, áp lực lớn, khi dự án kết thúc không tìm được việc làm mới. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế là, còn nhiều tồn tại, bất cập trong việc triển khai quy định pháp luật, trong đó nhiều quyền lợi cơ bản của người lao động bị “bỏ quên”. Trong cuộc thanh tra việc chấp hành quy định về lao động, bảo hiểm xã hội ở 26 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Hà Nội, cho thấy một thực trạng khá bi đát. Kết quả thanh tra đã phát hiện gần 500 hành vi vi phạm, chia trung bình thì mỗi doanh nghiệp phạm phải 19 hành vi và bị xử phạt hàng trăm triệu đồng.

 Phó Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận, mức độ vi phạm pháp luật lao động, BHXH tại các doanh nghiệp là phổ biến và tương đối nặng. Đằng sau những hàng rào khu công nghiệp như một thứ rào chắn, bức tường che đậy thực trạng đối xử dưới mức tối thiểu của giới chủ đối với những người đã và đang đổ mồ hôi, sôi nước mắt, làm việc đến kiệt sức vì lợi nhuận của doanh nghiệp. Thật “sửng sốt”, có những quy định hết sức căn bản nhưng doanh nghiệp vẫn cố tình phớt lờ. Có tới 100% doanh nghiệp không hề khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm cho người lao động, 25/26 doanh nghiệp vi phạm hợp đồng lao động như không đảm bảo an toàn lao động, buộc người lao động làm thêm giờ quá quy định…

Theo nhận định của đoàn thanh tra, lỗi vi phạm là từ ba phía: chủ, người lao động và công đoàn. Người lao động luôn yếu thế và không biết “gõ cửa” ở đâu để bảo vệ quyền lợi. Cả nước có khoảng 500.000 doanh nghiệp nhưng chỉ có 150 nhân viên thanh tra. Hà Nội có 50.000 doanh nghiệp cũng chỉ có 10 nhân viên thanh tra lao động. Ông Phó Chánh Thanh tra chua chát nói, với lực lượng này phải… 100 năm mới quay lại thanh tra doanh nghiệp một lần. Thanh tra đi rồi, vi phạm đâu lại vào đấy!