Đâu là đợt hạn hán kỷ lục trong vòng 900 năm qua tại Trung Đông?

ANTĐ - Hôm qua (3-3), NASA vừa công bố nghiên cứu mới nhất, phân tích độ ẩm khí hậu trong 9 thế kỷ qua tại khu vực Levant, bao gồm Cyprus, Israel, Jordan, Lebanon, Palestine, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Nghiên cứu cho thấy, đợt hạn hán bắt đầu từ năm 1998 và kết thúc cách đây 4 năm ở khu vực này là đợt hạn khủng khiếp nhất trong vòng 900 năm qua.

“Đợt hạn hán từ năm 1998-2012, không chỉ kéo dài một cách bất thường, mà còn khô hơn 50% so với giai đoạn khô cằn nhất xảy ra 500 năm trước đó, và khô hơn 10-20% so với đợt hạn kỷ lục năm 1100”, NASA cho biết. Các nhà khoa học suy luận điều này từ độ dày vân gỗ của cây tại khu vực nghiên cứu.

"Chúng tôi đã kiểm tra vân gỗ cả của cây còn sống và cây đã chết tại nhiều khu vực, từ Bắc Phi, Hy Lạp, Lebanon, Jordan, Syria cho đến Thổ Nhĩ Kỳ. Kết hợp với hồ sơ vân gỗ lấy từ Tây Ban Nha, miền nam nước Pháp, và Ý. Những dữ liệu trên đã được sử dụng để phục dựng lại lịch sử hạn hán diễn ra trong thiên niên kỷ vừa qua", trang web của NASA cho biết.

Các kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Nghiên cứu địa chất khí tượng, một ấn phẩm của Hội địa lý quốc gia Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, trong hầu hết các trường hợp, khi khu vực phía đông Địa Trung Hải gánh chịu hạn hán thì vùng đông Âu cũng phải trải qua tình trạng này.

Chuyên gia khí hậu Yochanan Kusshnir của Đài quan sát trái đất Lamont Doherty cho rằng: “Chắc chắn Địa Trung Hải là một trong những khu vực tiếp tục khô hạn trong tương lai dưới ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra”.