“Đầu độc” môi trường, không chịu nộp phạt

ANTĐ - Ngang nhiên “đầu độc” môi trường, khi bị cơ quan chức năng phát hiện, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhiều doanh nghiệp, cơ sở chây ỳ không chấp hành hoặc dây dưa kéo dài việc thi hành quyết định.

Cần cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt với một số doanh nghiệp, cơ sở chây ỳ 

(Ảnh có tính minh họa)

Bất lực trước vi phạm

Thông kê của Phòng Cảnh sát môi trường - CATP Hà Nội: Trong năm 2010, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, phát hiện và kiến nghị UBND TP ra quyết định xử phạt 39 doanh nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường, với số tiền phạt khoảng 5 tỷ đồng.

Tuy nhiên đến nay, 7 doanh nghiệp vẫn chây ỳ không nộp phạt. Sáu tháng đầu năm 2011, có 4/15 doanh nghiệp bị xử lý không chấp hành quyết định xử phạt. 

Một trong số các doanh nghiệp điển hình cho sự chây ỳ, là Công ty cổ phần Đồng Xuân (Chợ Đồng Xuân). Nói về những vi phạm của doanh nghiệp này, cán bộ thụ lý hồ sơ vụ việc cho biết: tháng 6-2010, Đội 3.1 Phòng Cảnh sát môi trường, phối hợp với Sở TN&MT Hà Nội, đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường tại Công ty cổ phần Đồng Xuân.

Quá trình kiểm tra, cơ quan công an phát hiện 3 vi phạm: Công ty không lập đề án bảo vệ môi trường; xả nước thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp nước thải từ 50m3/ngày đến dưới 500m3/ngày (kết quả phân tích mẫu nước thải tại chợ Đồng Xuân cho thấy, tổng Coliforms vượt 2.500 lần tiêu chuẩn cho phép); xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép.

Căn cứ vào nội dung biên bản vi phạm hành chính đã lập, ngày 29-6-2010, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp, tổng số tiền 275 triệu đồng và buộc doanh nghiệp chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả và nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày. Quyết định xử phạt ban hành đã hơn 1 năm, nhưng đến nay Công ty cổ phần Đồng Xuân vẫn tìm mọi cách dây dưa, kéo dài việc thi hành quyết định. 

Giống với Công ty cổ phần Đồng Xuân, Công ty TNHH Nam Phong, địa chỉ tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm - đơn vị chuyên sản xuất và in bao bì nilon, cũng là một ví dụ điển hình. Đại úy Nguyễn Thị Thủy - cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường cho biết: Cuối năm 2010, Đội 3.1 phối hợp với Phòng   TN-MT huyện Từ Liêm đã kiểm tra, phát hiện cơ sở không có cam kết bảo vệ môi trường; không lập hồ sơ, không đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại. Với các vi phạm này, doanh nghiệp bị xử phạt 75 triệu đồng. Tuy nhiên, 3 tháng sau khi quyết định xử phạt được ban hành, doanh nghiệp vẫn không nộp phạt. Trước sự chây ỳ của những người đứng đầu doanh nghiệp, ngày 11-3-2011, Phòng Cảnh sát môi trường một lần nữa trở lại kiểm tra. Lần này, lực lượng công an phát hiện doanh nghiệp không quản lý chất thải nguy hại theo quy định. Với vi phạm này, doanh nghiệp tiếp tục bị phạt 100 triệu đồng. Gần 1 năm trôi qua, các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND TP vẫn bị doanh nghiệp này “bỏ ngoài tai”…

Không để tiền lệ xấu

Đề cập đến biện pháp xử lý số doanh nghiệp “đầu độc” môi trường, nhưng chây ỳ không chấp hành quyết định xử phạt, Thượng tá Lê Văn Tâm - Phó Trưởng phòng Cảnh sát môi trường - CATP Hà Nội nói: Trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường của UBND TP Hà Nội ghi rõ, đơn vị vi phạm phải thi hành quyết định xử phạt trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Quá thời hạn trên, đơn vị không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành. Các biện pháp cưỡng chế được quy định rất rõ trong Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính - Thượng tá Tâm cho biết.

Cụ thể, lực lượng công an sẽ phối hợp với các tổ chức tín dụng nơi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế thi hành mở tài khoản để giữ lại trong tài khoản của cá nhân, tổ chức đó số tiền tương đương với số tiền mà cá nhân, tổ chức phải nộp theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế và chuyển vào ngân sách nhà nước. Với các doanh nghiệp không có tài khoản, lực lượng chức năng cưỡng chế bằng cách ngừng cung cấp điện, nước và các dịch vụ có liên quan; cưỡng chế tháo dỡ công trình, máy móc, thiết bị; thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấp phép thành lập và hoạt động, Giấy phép hành nghề...

Sau một thời gian tuyên truyền, vận động nhiều doanh nghiệp không có kết quả, Phòng Cảnh sát môi trường đang đề xuất UBND TP Hà Nội cưỡng chế thi hành quyết định với một số doanh nghiệp, cơ sở chây ỳ - Thượng tá Lê Văn Tâm cho biết.