Đặt phòng khách sạn trực tuyến, đề phòng giá ảo

ANTĐ - Lâu nay đặt phòng khách sạn trực tuyến được coi là công cụ đắc lực cho khách du lịch tự túc bởi lợi thế đủ đường, vừa tiện lợi, nhanh chóng, lại vừa tiếp cận được mức giá ưu đãi. Có lẽ vì thế mà nhiều du khách tin tưởng gửi gắm vào các website đặt phòng trực tuyến mà không tính đến những cái “bẫy” đáng ngờ.

Đặt phòng khách sạn trực tuyến, đề phòng giá ảo  ảnh 1Du khách nên cân nhắc trước sự chào mời từ những website đặt phòng trực tuyến

Rẻ như đặt qua mạng

Đã là tín đồ du lịch thì không một ai lại không biết đến những trang web đặt phòng khách sạn trực tuyến, từ nổi tiếng thế giới như Agoda, Booking, Hotels, Asiatravel… cho đến hệ thống các trang web trong nước như iVIVU, Yesgo, chudu24… Nhu cầu “xê dịch” ngày càng tăng cùng các tiện ích khó cưỡng như tìm kiếm nhanh, giá rẻ, thanh toán tiện lợi… khiến cho khách du lịch thường xuyên tìm đến các webstie đặt phòng trực tuyến để chọn phòng lưu trú cho hành trình của mình. 

Cái “lợi” lớn nhất mà phần đông du khách chọn lựa hình thức “booking” qua mạng đó là mức giá rẻ hơn so với đặt phòng trực tiếp tại khách sạn. Phần lớn, các website này đều cam kết sẽ giúp du khách thuê phòng với giá rẻ hơn 20-30% so với giá niêm yết. Thậm chí một số địa chỉ còn quảng cáo những voucher, phiếu giảm giá… với giá rẻ giật mình, chỉ còn 50% khiến cho các du khách đều tin vớ được “món hời”. Nhưng kỳ thực mức giá phải trả trên thực tế lại không  “ngon” như họ tưởng.

Chị Nguyễn Thanh Tú (trú tại Cầu Gỗ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) bức xúc kể, chuyến đi nghỉ với gia đình vừa rồi, chị định đặt một khách sạn 4 sao trên đường Phạm Ngũ Lão, thành phố Huế qua trang Yesgo và thấy đề giá mỗi phòng 800.000 đồng/đêm. Tuy nhiên khi gọi điện trực tiếp cho khách sạn thì được lễ tân thông báo “đó là mức giá chưa tính phụ thu”.

Sau khi cộng dồn một loạt chi phí phát sinh như thuế, phí dịch vụ, phí cuối tuần… số tiền phải trả cho 1 phòng lên đến 1,3 triệu đồng. Khi phàn nàn là sao có sự chênh lệch giữa giá cả thực tế và giá trên website, chị Tú chỉ nhận được giải thích là “giá trên mạng họ đưa thế thôi, chứ không phải giá hiện hành”.

Tiện nhưng không kém rủi ro

Đặt phòng trực tuyến được coi là phương án tối ưu với những nhóm đi du lịch đông người, nhất là tại mùa cao điểm về khách du lịch. Tuy nhiên, nếu không tìm hiểu cặn kẽ cách thức thanh toán giao dịch, thì du khách rất dễ lâm vào cảnh “khóc dở mếu dở”, như trường hợp oái oăm mà chị Trịnh Bích Ngọc (đường Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội) gặp phải. Sau khi đã xem xét giá cẩn thận trên một website, chị cùng 3 gia đình khác quyết định đặt phòng ở quận 1, TP.HCM.

Theo hướng dẫn, chị được cho biết chỉ cần để lại tên tuổi, số điện thoại và thông tin về số phòng rồi thanh toán trực tiếp với khách sạn. Tuy nhiên, khi vào đến nơi, đoàn của chị bị từ chối, nhân viên khách sạn giải thích là “không có bất cứ ai tên như vậy đã đăng ký”. Chị đưa giấy xác nhận đặt phòng nhưng vẫn không được chấp nhận, “vì không đặt tiền thì không có gì bảo đảm”. Vừa mệt, vừa bực, chị phải lặn lội tìm khách sạn khác.  

Cần nhớ rằng, đặt phòng trực tuyến tuy thuận tiện nhưng đi kèm với nó cũng không ít rủi ro. Hầu hết những người đã đặt phòng đều lo chất lượng phòng ốc thực tế thua xa so với quảng cáo trên web, mà trong trường hợp muốn đổi hoặc hủy phòng, du khách sẽ phải mất thêm phí, tệ hơn là mất không chi phí cho website.

Kinh nghiệm là thay vì tin tưởng tuyệt đối vào sự chấm điểm của những người đi trước hay các mánh lới quảng cáo của các website, du khách nên nhờ cậy một số phương tiện trung gian, chẳng hạn như Tripadvisor để có sự so sánh về giá phòng khách sạn giữa các website đặt phòng khác nhau.

Hãy trực tiếp liên hệ với khách sạn định ở để có được biểu giá mới nhất, phòng trừ trường hợp biểu giá thay đổi. Và tốt nhất, hãy kiểm tra cẩn thận mọi điều khoản thanh toán, trước và sau khi trả tiền để chắc chắn có một nơi lưu trú thoải mái cho kỳ nghỉ của mình.