Đáp án mở trong chấm thi đại học

ANTĐ - Các trường ĐH đang gấp rút triển khai chấm thi, theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, năm nay với đổi mới trong cách ra đề, việc chấm thi cũng phải thay đổi, không còn kiểu đếm ý, cho điểm.

Thí sinh dự thi ĐH cả nước sẽ được nhận kết quả thi trước 1-8

Điểm cao cho chính kiến logic

Trước cách ra đề thi năm nay được mọi người đánh giá cao khi đi theo hướng mở, loại bỏ cách học thụ động thuộc lòng, việc chấm thi cũng khiến nhiều người quan tâm, làm sao để có thể đánh giá công bằng chất lượng bài thi. Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, không chỉ với kỳ thi này mà trước đó, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, đề thi và cách chấm thi cũng đã thay đổi theo hướng trên. “Mặc dù nằm trong chương trình phổ thông, trong sách giáo khoa, nhưng năm nay đề thi ĐH đã đổi mới theo hướng tiếp cận đánh giá người học và do yêu cầu của kỳ thi nên đề thi có mức độ khó hơn” – ông Mai Văn Trinh cho biết. Ông Mai Văn Trinh cũng khẳng định: câu hỏi đề thi mở thì đáp án sẽ mở. “Đáp án đóng là đáp án đếm ý chấm điểm, đáp án mở là đáp án căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó đánh giá cao cách triển khai giải quyết vấn đề, khả năng liên tưởng, kiến thức ngoài sách vở và không giới hạn về số lượng ý…” – ông Trinh chia sẻ.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, đáp án mở cũng phải xây dựng trên cơ sở một số quy định chung, nhưng quan trọng nhất, bài làm của học sinh phải truyền tải được thông điệp, ý tưởng, những nội dung cốt lõi, phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam và pháp luật thì được điểm. “Với những bài làm cùng một ý tưởng như vậy, nhưng có cách làm, logic chặt chẽ, thể hiện được tính sáng tạo thì sẽ được điểm cao hơn” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh. 

Đặc biệt, với cách chấm này, việc chấp nhận những chính kiến cá nhân là điều mà lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định. “Đề thi môn Địa năm nay có câu hỏi về nguyên nhân tình trạng thất nghiệp của giới trẻ. Đã có người hỏi, nếu thí sinh chỉ ra trong vấn đề thất nghiệp có lỗi từ Bộ GD-ĐT, thì thí sinh đó có được cho điểm đúng với chất lượng bài làm? Tôi khẳng định, nguyên tắc của chấm đề mở là thí sinh phải truyền tải thông điệp đúng, phù hợp với thuần phong mỹ tục, với pháp luật thì không có vùng cấm trong chấm thi” – ông Mai Văn Trinh chia sẻ.

Sẽ có kết quả thi vào cuối tháng 7

Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, cho biết, từ nhiều năm nay thí sinh dự thi vào trường này đều có học lực giỏi vì vậy mức điểm sàn vào trường dự báo vẫn ổn định như mọi năm. Năm 2013, điểm sàn khối A: 24,5, khối D, A1: 23,5. Đây là mức điểm sàn vào trường, với một số ngành có đông thí sinh đăng ký thì mức điểm chuẩn sẽ cao hơn. Theo bà Thủy, cuối tháng 7 trường sẽ công bố điểm thi. 

Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, một trong những trường có số thí sinh dự thi đông nhất cả nước, cũng đã bắt đầu chấm thi từ ngày 11-7. Ông Phạm Văn Bổng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với các môn tự luận, nhà trường nhiều năm thực hiện với số lượng bài thi lớn và không xảy ra sai sót. Như mọi năm, công đoạn chấm hoàn thành vào khoảng 23-7, sau đó thực hiện công tác kiểm dò. Dự kiến 29-7 trường sẽ công bố kết quả thi”. Ông Bùi Xuân Nhàn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, khẳng định trường này sẽ công bố điểm vào 30-7. Dự kiến, mức điểm chuẩn vào trường vẫn trên 20 điểm  ở các ngành kinh tế, kế toán. Một số ngành khác điểm chuẩn dưới 20 điểm gồm: ngôn ngữ Anh, kinh doanh quốc tế, luật, quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành...

Cũng với số lượng thí sinh dự thi khá đông, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội bắt đầu chấm thi muộn. Ngày 21-7, trường này mới bắt đầu công tác chấm thi. Tuy nhiên, ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, trường vẫn đáp ứng đúng thời hạn theo quy định của Bộ GD-ĐT, công bố điểm vào khoảng 30-7.