Đào tạo chính quy phóng viên văn hóa

ANTĐ - Khoa Sáng tác và Lý luận-Phê bình văn học trường Đại học Văn hóa Hà Nội vừa có thêm một chuyên ngành đào tạo phóng viên chuyên về văn hóa văn nghệ. PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với  PGS.TS Văn Giá (Trưởng Khoa Sáng tác và Lý luận-Phê bình văn học) xung quanh vấn đề này.

- PV: Thưa ông, tại sao một khoa chuyên đào tạo văn chương lại chuyển sang đào tạo báo chí?

- PGS.TS Văn Giá: Trước hết xin nói ngay: Chúng tôi vẫn đào tạo hệ viết văn, bên cạnh đó mở thêm chuyên ngành viết báo văn hóa văn nghệ (VHVN) hàng năm. Việc mở thêm chuyên ngành viết báo VHVN này có hai lý do: Thứ nhất, văn chương thời này cũng tựa như đại đa số các ngành KHXH và NV đang “xuống giá”, ít thí sinh theo đuổi. Trào lưu xã hội cho rằng những nghề này không có khả năng kiếm việc làm và làm giàu. Nghề viết văn lại càng vậy. Viết văn thuộc năng khiếu và đam mê, chứ không thuộc về đào tạo đại trà. Thứ hai, hiện nay tuy có khá nhiều nơi đào tạo báo chí nhưng tất cả đều đào tạo theo lối làm báo tổng hợp, nghĩa là ra trường phải viết về tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Trong khi đó các sinh viên báo chí ra trường không kham nổi đòi hỏi trên. Vì thế đã xuất hiện một vấn đề: Đào tạo các nhà báo chuyên viết về một hoặc vài lĩnh vực cụ thể nào đó, chứ không viết tất cả mọi thứ. Với 2 lý do trên, chúng tôi tiến hành mở lớp viết báo VHVN để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đòi hỏi.

- PV: Việc mở thêm một lớp đào tạo chính quy liệu có đủ sức cải thiện tình hình thiếu phóng viên am hiểu về VHVN?

- PGS.TS Văn Giá: Tôi hy vọng góp phần cải thiện dần tình trạng này bằng cách mở lớp chuyên viết báo VHVN. Nếu không có hy vọng như vậy thì mở lớp làm gì cho mất công. Vả lại, để khắc phục tình trạng này, Hội Nhà báo cũng cần có phối hợp đào tạo ngắn hạn hoặc tập huấn thường xuyên cho những PV chuyên phụ trách mảng VHVN. Trông vào đào tạo chính quy thì làm sao có thể đáp ứng tức thì được.

- PV: Thưa ông, việc tuyển sinh sẽ được thực hiện thế nào? Tuyển những người đã từng làm báo, hay học sinh phổ thông? 

- PGS.TS Văn Giá: Chúng tôi tuyển như các cơ sở đào tạo báo chí khác, nghĩa là thi đại trà, lấy theo khối C và D đối với tất cả những ai đã tốt nghiệp bậc THPT có nguyện vọng. Vào dịp trung tuần tháng 9-2011 chúng tôi sẽ khai giảng lớp viết báo VHNV khóa I. Thời gian đào tạo chính quy theo hệ cử nhân là 4 năm.

- PV: Chương trình dạy và học sẽ được thực hiện thế nào?

- PGS.TS Văn Giá: Chương trình chúng tôi cấu tạo làm 3 phần đan xen: Phần các tri thức đại cương, phần các tri thức về VHVN, phần các tri thức tác nghiệp báo chí. Thí dụ phần các tri thức về VHVN chúng tôi cung cấp hầu hết các tri thức cơ bản nhất về văn hóa Việt, về các lĩnh vực nghệ thuật trên tinh thần nắm vững lịch sử và cách phân tích tác phẩm nghệ thuật. Từ đó, người viết báo có được cái tri thức tối thiểu, cơ bản, chắc chắn, cộng với khả năng thưởng thức tác phẩm tinh tế thuộc các lĩnh vực như văn chương, hội họa, âm nhạc, sân khấu, kiến trúc, điêu khắc, múa, điện ảnh, các bộ môn nghệ thuật đương đại...

- PV: Đội ngũ giảng viên gồm những nhà sư phạm hay các nhà báo có uy tín trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật?

- PGS.TS Văn Giá: Riêng việc các giáo viên lên lớp, chúng tôi chủ trương tỷ lệ giữa lý thuyết và thực hành là 50/50. Ngoài đội ngũ các giáo viên giảng dạy lý thuyết về báo chí, chúng tôi tăng cường mời các nhà báo có uy tín đang đảm nhiệm mảng VHVN ở các tòa soạn báo về giúp đỡ giảng dạy cho các sinh viên. 

- PV: Việc mở lớp đào tạo báo chí có được cho là “cạnh tranh” với các khoa báo, trường báo hiện nay?

- PGS.TS Văn Giá: Đã đào tạo thì bao giờ ít nhiều cũng có yếu tố cạnh tranh, nhưng là cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng và uy tín. Chỗ tôi mới là khóa đầu, nên chưa dám đặt vấn đề cạnh tranh, hơn thua gì cả. Vả lại, trong quá trình đào tạo, riêng về các môn nghiệp vụ báo chí, hầu hết tôi phải mời các đồng nghiệp cũ của tôi bên khoa Báo chí, Phát thanh-Truyền hình của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, và khoa Báo chí của ĐH KHXH&NV. Hiện nay đội ngũ giảng dạy về báo chí ở chỗ chúng tôi đang còn mỏng lắm.

- PV: Xin cảm ơn ông!