Đánh thức sứ mệnh của những nhà văn trẻ

ANTĐ - Hôm qua, 25-8, Hội Nhà văn Việt Nam đã chính thức công bố 112 gương mặt nhà văn tham gia Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 diễn ra tại Tuyên Quang từ 8 đến 11-9. Trong số này, Hà Nội dẫn đầu danh sách với 10 đại biểu. PV Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng nhà thơ Nguyễn Việt Chiến - Trưởng ban Công tác Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Hà Nội những vấn đề liên quan.

- PV: Theo ông, thế nào thì được gọi là nhà văn trẻ?

- Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: Theo quy định của Hội Nhà văn Việt Nam năm nay, những tác giả đi dự hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc năm 2011 phải là những người ở độ tuổi 35 trở lại, đã có thành tựu và có những tác phẩm văn học gây được sự chú ý. Tôi cũng cho rằng, sự phân định của Hội Nhà văn Việt Nam như vậy là hợp lý.

- PV: Nhiều người quan niệm đã là văn chương thì không tính trẻ hay già. Ông nghĩ sao về điều này?

- Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: Đúng là văn chương không nên tính trẻ hay già, điều quan trọng là phải sáng tạo được những tác phẩm văn chương thật sự hay. Tôi nghĩ cũng không nên dị ứng quá về chuyện này, bởi theo tôi, nếu được mọi người gọi là “nhà văn trẻ” thì chính là một điều vinh danh rồi, bởi một lẽ rất giản đơn, trong hành trình văn học thì tương lai của sáng tạo mới luôn thuộc về lớp trẻ, những người dám đổi thay ngay cả khi đối mặt với thất bại. Con đường sáng tạo văn học luôn gập ghềnh, đầy gian truân, thử thách và chỉ có những tài năng thật sự mới vượt được lên để trở thành một nhà văn đích thực. 

- PV: Để trẻ hóa đội ngũ viết văn, trong thời gian tới Hội Nhà văn cần phải có những động thái gì?

- Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: Thật ra, không phải hầu hết các cây viết trẻ hiện nay đều đã… già. Với tư cách là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội phụ trách công tác nhà văn trẻ của Hội, tôi đã rất khó khăn trong việc tìm kiếm những nhà văn trẻ từ 35 tuổi trở xuống là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội đã có những thành tựu trong sáng tác. Đợt này, chúng tôi chỉ chọn được 2 tác giả trẻ là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội đi dự hội nghị, còn 8 người khác là những cây bút trẻ chưa phải hội viên. Có thể nói, Hội Nhà văn Hà Nội hiện nay đang dần bị “lão hóa” với khá nhiều người viết có tuổi đời khá cao và sức sáng tác ngày một yếu đi, trong khi đó những nhà văn trẻ chưa được quan tâm đúng mức và tạo điều kiện để họ có thể phát triển tài năng và có được những tác phẩm văn chương để đời. Phải chăng điều đó khiến bình diện chất lượng văn học chung của chúng ta hiện nay không có gì nổi trội và đặc sắc. Đã đến lúc, cần một “làn gió tươi mới” trong văn chương để thúc đẩy mọi nỗ lực sáng tác nơi người cầm bút không chỉ với những người viết trẻ mà còn góp phần làm giảm bớt sự trì trệ của những người viết già. Trong năm nay, Hội Nhà văn Hà Nội sẽ thành lập Câu lạc bộ viết văn trẻ để thu hút các cây bút trẻ trên địa bàn Thủ đô. Và dự kiến sang năm 2012, chúng tôi sẽ tổ chức Hội nghị viết văn trẻ Thủ đô lần thứ nhất. Đây không chỉ là vấn đề riêng của Hội Nhà văn Hà Nội, tôi nghĩ vấn đề trẻ hóa đội ngũ viết văn đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách cho nền văn học tương lai của đất nước.

- PV: Ông đánh giá thế nào về lực lượng những cây viết trẻ hiện nay? 

- Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: Những tác giả trẻ hôm nay, họ có được sự tươi mới trong thể nghiệm và đã có những thành công bước đầu. Nhưng tôi nghĩ, những vấn đề đời sống xã hội lớn lao của ngày hôm nay và những vấn đề quan trọng của đất nước, của dân tộc… dường như vẫn thấy thiếu vắng trong các sáng tác của các cây bút trẻ. Điều quan trọng là Hội Nhà văn Việt Nam qua hội nghị lần này phải đánh thức những tiềm năng của người viết trẻ và đặc biệt, phải đánh thức sứ mệnh của nhà văn trẻ trước dân tộc, trước đất nước, trước những nỗi đau và khát vọng của con người hiện đại trong quá trình phát triển văn học và hình thành những nhân cách văn hóa.

- PV: Xin cảm ơn ông!