Đắng lòng con trẻ chứng kiến cha mẹ ly hôn

ANTĐ - Qua khe cửa phòng xử án, hai anh em Hoàng Nguyễn Phương Nam và Hoàng Thị Thu chụm đầu vào nhau nhìn mẹ vừa trả lời HĐXX vừa khóc. Nam quay sang thấy em cũng khóc, nên đưa tay giật tà áo em bảo, thôi ra kia đứng! Dù còn non nớt, chúng đã thấy buồn khi chứng kiến cảnh bố, mẹ “mổ trâu, mổ bò” ở chốn công đường…

Còn đâu tình nghĩa “tao khang”

“Tôi chẳng cần anh phải đi làm gì đâu xa, chỉ cần anh biết thương 3 mẹ con chúng tôi là được, chứ lấy cớ là người “trụ cột gia đình”, lo trăm công nghìn việc rồi để gia đình lâm vào hoàn cảnh đứa sống thiếu cha, đứa thì thiếu mẹ... Rồi chúng sẽ ra sao?”.

Đó là lời bộc bạch của chị Dương Thị Hòa (SN 1968, ở phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội) sau khi phiên xử ly hôn kết thúc. Cho dù đây là lần phúc thẩm, chị vẫn chưa đặng lòng “dứt tình” với anh Hoàng Văn Sơn (SN 1966). Với chị, có lẽ là sự cam chịu, khổ đau đến mấy mình cũng cố chịu nhưng chẳng bao giờ muốn hai đứa con của chị thiếu tình cảm của một trong hai người.

Chẳng giống những người con gái khác, mới lớn lên đã có người dòm ngó, tán tỉnh, đón đưa, với chị Hòa, những năm của tuổi thanh xuân, đẹp nhất ấy, chị dành cho công việc của gia đình vì sự nghèo khó. Quên đi cả bản thân mình, mãi đến tuổi 31, khi mà người ta chê là tuổi “băm”, Hòa  mới dám nghĩ đến chuyện yêu. Chị vội vã nhận lời chàng trai cùng thôn Hoàng Văn Sơn, rồi về làm vợ người ta. Những năm đầu, hai người khá hợp nhau và sống rất hạnh phúc. Chị chịu khó làm lụng chẳng kể sớm khuya. Anh chị sinh được cháu Hoàng Nguyễn Phương Nam và Hoàng Thị Thu. Nhưng được vài năm thì mâu thuẫn gia đình bắt đầu phát sinh (năm 2002). 

Theo chị Hòa, nguyên nhân bắt nguồn từ chuyện kinh tế. Khi chồng chị không thể cáng đáng được vai trò là người “trụ cột”, hai người thường xuyên xảy ra cãi chửi nhau. Có lần, Hòa bỏ về nhà bố mẹ đẻ sống đến cả tháng trời. Cố níu kéo hạnh phúc, hai người lại dắt díu về ở với nhau. Tuy nhiên, “chứng nào tật ấy”, mâu thuẫn lại càng bùng phát lớn hơn khi sự chịu đựng lâu ngày bị dồn nén. Muốn chấm dứt cuộc hôn nhân này, tháng 10-2004, Sơn viết đơn ly dị nhưng chị Hòa không đồng ý. Hòa nghĩ, các con còn nhỏ nên gắng chịu và tiếp tục chung sống. Nhưng rồi chuyện gì đến vẫn cứ đến, tháng 10-2010, sau nhiều lần cãi chửi nhau và xảy ra xô xát, chẳng người thân nào trong gia đình vợ chồng Sơn có thể đứng ra giải quyết nổi mà còn phải gọi công an đến thiệp.

Tan tác

Sau bận đó, vợ chồng Sơn bắt đầu đối diện với những ngày, tháng sống ly thân. Trong mắt nhau, hai người trở thành những người “lính” không cùng chiến tuyến. Sống mà như chết. Biết chẳng thể níu kéo hạnh phúc được dài hơn, nuốt nước mắt vào lòng đành để cảnh con cái phải chia hai, chị Hòa đồng ý ký ra tòa. Tại phiên tòa sơ thẩm mới đây, sau khi xem xét toàn diện nội dung vụ án và hoàn cảnh của hai người, HĐXX sơ thẩm (TAND quận Hoàng Mai) đã ra quyết định tuyên chấp nhận đơn yêu cầu ly hôn của anh Hoàng Văn Sơn và chị Hòa. Giao cháu Hoàng Thị Thu (SN 2001) cho anh Sơn nuôi dưỡng, còn cháu Hoàng Nguyễn Phương Nam (SN 2009), giao cho chị Hòa nuôi dưỡng.

Nghe tòa tuyên vậy, chị Hòa bật khóc. Chị bảo: “Tôi chỉ muốn nuôi cả hai đứa, từ trước đến nay cũng chỉ có mình tôi kiếm tiền nuôi chúng. Tôi chẳng muốn anh, em nó phải xa nhau. Đời chúng nó sinh ra có bố mà như không đã khổ lắm rồi, nay lại bắt chúng nó mỗi đứa một nhà thì tội quá!”.

Chẳng giấu về hoàn cảnh của mình, chị kể: “Mang tiếng hai đứa còn cha nhưng chúng đâu được như những đứa trẻ khác. Từ bé đến giờ, chúng chưa một lần biết đến đồng quà tấm bánh của người cha. Cuộc sống sinh hoạt hàng ngày đều đổ dồn lên đôi vai chị. Hàng ngày, chị đi chợ bán hoa, kiếm được dăm chục, một trăm. Ngày lễ thì nhỉnh hơn một chút. Tuy nhiên, tằn tiện lắm mới lo đủ tiền học và tiền ăn của hai đứa, chứ cũng chẳng dư dật là bao. Mà công việc nào cũng có cái khổ của nó, ngày thường thì 4h sáng tôi đã phải lên tận chợ hoa Quảng Bá (quận Tây Hồ) lấy hoa về bán, ngày lễ có khi đi từ 2h sáng. Nói chung, thân nữ đêm hôm chẳng biết sống chết thế nào. Thôi thì người ta quyết như thế thì cũng đành chịu. Nhưng tiền hỗ trợ cho mẹ con chúng tôi cũng phải nhiều hơn mới đáng. Chứ nhà cửa thì không có, hết thời gian tòa cho lưu trú, không có tiền đi thuê nhà thì chỉ có nước ra đứng đường. Mà mình thì thế nào chẳng được, đằng này lại còn bọn trẻ nữa chứ…” - chị Hòa vừa chỉ tay vào hai đứa con vừa nói trong nước mắt.

Có lẽ cũng vì thế mà tại phiên tòa phúc thẩm này, ngoài số tiền chị Hòa được bố mẹ đẻ cho mấy chỉ vàng làm của hồi môn, cộng thêm số tiền chị tích cóp được khi anh Sơn xây nhà, chị đã đưa cả cho anh (tổng số 10 triệu đồng). Giờ hai vợ chồng chia tay, chị xin đòi lại số tiền trên và tính theo trị giá hiện tại. Tuy nhiên, đề nghị này không được cho là chính đáng nên chị vẫn chỉ được anh Sơn đồng ý trả lại cho 10 triệu đồng, cộng thêm tiền hỗ trợ với tổng mức 400 triệu đồng. Phiên tòa phúc thẩm kết thúc, hai anh em Nam và Thu chạy nắm tay mẹ cùng đường về, bỏ lại người bố trơ lơ cúi mặt bước đi. Dường như ngay cả những đứa con của Sơn cũng cảm thấy quen với cách đối xử của người cha với chúng. Chẳng chút tình cảm, thân thiện gì.

(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)