Đáng lo tình trạng thất nghiệp ảo

ANTĐ - Năm 2011, số lượng lao động đăng ký trợ cấp thất nghiệp trên cả nước đã tăng gần 200%. Nghịch lý là số thất nghiệp nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn không tuyển được lao động. Nhiều doanh nghiệp còn lo ngại tình trạng lao động bỏ việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới.

Chăm lo cuộc sống cho người lao động cách tốt nhất để doanh nghiệp “giữ chân” lao động

Hưởng trợ cấp nhưng không… thất nghiệp

Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, số người đăng ký thất nghiệp trong năm 2011 đã tăng đến 175% so với năm 2010 (335.901 người so với 190.965 người). Đáng chú ý, số người lao động đã có quyết định được hưởng trợ cấp thất nghiệp lên đến 291.302 người, tăng 186% so với năm 2010. Rất nhiều lao động khác cũng đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ, thủ tục để được hưởng khoản trợ cấp này. Nhiều chuyên gia cho rằng, số lao động thất nghiệp trên thực tế còn cao hơn nhiều, bởi số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số lao động trên cả nước. Hơn nữa, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ đến những đối tượng giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng lao động dưới 12 tháng, đây là những đối tượng có khả năng thất nghiệp cao…

Tuy nhiên, phía Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, diễn biến thị trường lao động trong nước năm vừa qua chưa hẳn đã u ám như số liệu phản ánh. Ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, trên thực tế tồn tại tình trạng thất nghiệp ảo. Chẳng hạn như nhiều thông tin phản ánh (tại tỉnh Bình Dương) có tình trạng người lao động đóng đủ 12 tháng bảo hiểm thất nghiệp thì xin nghỉ việc hoặc thông đồng với bên sử dụng lao động để làm các thủ tục thất nghiệp, nhằm được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong khi thực tế họ vẫn làm việc ở doanh nghiệp đó. Điều này xuất phát từ quy định người đóng dưới 36 tháng bảo hiểm thất nghiệp cũng chỉ được hưởng trợ cấp như người đóng đủ 12 tháng trở lên. Mặt khác, tình trạng người lao động xin thôi việc để được hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng lại xin chuyển sang làm việc ở doanh nghiệp khác, tìm kiếm công việc khác chứ không hề thất nghiệp.

Ông Trung lấy ví dụ, trong năm 2011, số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp ở Hà Nội đã tăng vọt gấp 4 lần so với năm 2010 (đạt 16.000 lao động), thế nhưng ngoài các đối tượng nằm trong số bị cắt giảm lao động, mất việc làm vì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn, còn có đến 5.000 lao động thất nghiệp vì tự nguyện xin thôi việc khi công ty, nhà máy phải di dời địa điểm sản xuất ra ngoại thành. Số lao động này được hưởng trợ cấp thất nhiệp nhưng thực tế phần lớn họ đã chuyển đổi công việc, tìm được công việc khác chứ không thất nghiệp đúng nghĩa. Trong năm 2011, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm đã tăng lên 173%...

Sau tết không lo mất lao động

Trong những năm gần đây thường tồn tại tình trạng sau Tết Nguyên đán, các công ty, doanh nghiệp bị mất lao động. Quy luật cũng được cho rằng sẽ tiếp tục xảy ra sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn sắp tới, thậm chí có thể còn nặng nề hơn bởi tình trạng kinh tế chung đang gặp rất nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề và đời sống của hầu hết công nhân lao động hết sức khó khăn. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Trung, điều này cũng không đáng lo và thị trường lao động đầu năm 2012 cũng sẽ không biến động nhiều.

Nguyên nhân được ông Trung chỉ ra là do các doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn tới việc chăm lo đời sống cho công nhân lao động, cả về tinh thần lẫn vật chất. Thực tế là trong năm 2011, hoạt động sản xuất của hầu hết các doanh nghiệp rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ, không có lãi, tuy nhiên tiền lương bình quân của người lao động vẫn tăng lên, nhất là tình hình thưởng tết bình quân của các doanh nghiệp nhìn chung vẫn được duy trì, thậm chí nhỉnh hơn so với năm trước. Bên cạnh đó, ngoài các chính sách hỗ trợ của địa phương, rất nhiều doanh nghiệp cũng đã lên kế hoạch hỗ trợ vé tàu xe hoặc đưa đón người lao động về quê ăn tết, tặng quà tết. Đấy là chưa kể người lao động khi bỏ việc cũng không dễ để tìm ngay được công việc mới trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay.

Cũng theo ông Trung, thị trường lao động ngày càng linh hoạt và tuân theo cung - cầu. Trước đây có xu hướng người lao động ở miền Bắc, miền Trung đổ vào miền Nam, lao động nông thôn tràn ra thành thị nhưng một vài năm gần đây đã xuất hiện xu hướng ngược lại. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn dịch chuyển vị trí theo vùng lao động, nghĩa là chuyển về các vùng ngoại thành, nông thôn tập trung nhiều lao động. Do đó, cả người lao động và người sử dụng lao động đều phải biết vận dụng theo các quy luật của thị trường lao động để ổn định lực lượng sản xuất.