Đàn ông đua nhau làm đẹp vì sợ ế

ANTĐ - Trong xã hội hiện đại Trung Quốc ngày nay có một số lý do dẫn đến việc cánh mày râu ngày càng chăm chỉ chăm sóc nhan sắc, song sự độc lập về tài chính được xem là nguyên nhân chính khiến ngoại hình trở thành yếu tố cạnh tranh để nam giới Trung Quốc thoát khỏi tình trạng ế vợ.

Đàn ông đua nhau làm đẹp vì sợ ế ảnh 1

Cuồng tô son điểm phấn

Ban đầu chỉ là dùng lén mỹ phẩm của vợ, nhưng giờ thì anh Ben Shiyuan đã công khai sử dụng cả nước dưỡng da, sữa rửa mặt và cả kem dưỡng ẩm mỗi sáng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà thôi. “Tôi còn đắp mặt nạ bùn, mát-xa mặt hàng tuần, dùng kem che khuyết điểm để giấu vết thâm quanh mắt và phấn nền nếu da tôi trông có vẻ nhợt nhạt” - anh Shiyuan, một quan chức 39 tuổi sống tại Bắc Kinh cho biết. Ben Shiyuan chỉ là một trong số rất nhiều người được gọi là dị tính luyến ái - thuật ngữ của Trung Quốc dùng để chỉ những người đàn ông thích dùng mỹ phẩm và chăm chút cho vẻ ngoài của mình. Chính những người này đã biến Trung Quốc trở thành một thị trường béo bở cho ngành công nghiệp mỹ phẩm nam giới.

Báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Kantar World cho thấy doanh số bán hàng sữa rửa mặt dành cho nam giới đạt hơn 1,5 tỷ nhân dân tệ (235 triệu USD) trong quý đầu tiên năm nay, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Asia One cho hay, quảng cáo mỹ phẩm nam giới tràn ngập trên thị trường không chỉ thúc đẩy hoạt động mua sắm trong ngày Độc thân vừa qua ở Trung Quốc, mà còn cho thấy sự thay đổi trong nhận thức của đàn ông nước này về ngoại hình. 

Đàn ông đua nhau làm đẹp vì sợ ế ảnh 2

Để không bị… ế vợ

Ngày nay, trong xã hội hiện đại, khi vị thế của phụ nữ ngày càng được nâng cao và sự lệ thuộc vào đàn ông về tài chính ngày càng giảm, ngoại hình trở thành yếu tố quan trọng với nam giới để cạnh tranh trên thị trường hôn nhân. Sự chênh lệch giới tính qua nhiều thập kỷ là nguyên nhân của tình trạng nam giới ế vợ ở Trung Quốc. Hiện tại, tình trạng mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc đang trở nên trầm trọng. Ước tính tới năm 2020, tại nước này nam giới sẽ nhiều hơn nữ giới 33,8 triệu người. Tức là 5 năm nữa, đất nước này sẽ có 30 triệu đàn ông Trung Quốc ế vợ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do, Trung Quốc vốn có truyền thống trọng nam khinh nữ. Hơn nữa, đất nước này trước đây vốn chỉ cho phép mỗi cặp vợ chồng sinh một con nên nhiều cha mẹ muốn đứa con duy nhất của mình là con trai.

Và vì có việc làm ổn định, phụ nữ có thể ít quan tâm đến thu thập của đàn ông mà thay vào đó là ngoại hình và cách cư xử của họ khi kén chồng. Theo khảo sát của Bain Capital năm 2014, tỷ lệ phụ nữ Trung Quốc có việc làm là 73%, cao hơn so với Mỹ và châu Âu. Dù mức lương chỉ bằng 65% so với nam giới, họ vẫn có thể độc lập về kinh tế. Chính điều này đã tạo sức ép khá lớn với đàn ông Trung Quốc, buộc họ phải chăm chút đến vẻ bề ngoài nhiều hơn.

Một yếu tố khác để đàn ông Trung Quốc quan tâm đến diện mạo là mong muốn theo đuổi lối sống lành mạnh. Nghiên cứu của IBIS World, một công ty thông tin thương mại Australia chỉ ra rằng doanh thu của các trung tâm thể hình tại Trung Quốc đã tăng từ 582 triệu USD trong năm 2004 lên gần 3,7 tỷ USD trong năm 2012. Dự đoán đạt hơn 6,8 tỷ USD trong 3 năm tới. Sự tăng trưởng này được lý giải một phần là do đàn ông Trung Quốc muốn có thân hình quyến rũ hơn.

Các nhà xã hội học cho hay sự tự tin này cũng đi kèm với nhu cầu làm mình nổi bật hơn trong công sở. Các dữ liệu mới được công bố của công ty tư vấn CTR cho thấy gần 40% đàn ông thành thị dùng các sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm khác trong nửa đầu năm 2010, 60% trong số đó là các doanh nhân. Theo L’Oréal, nam giới Trung Quốc hiện nay quan niệm, ngoại hình là chìa khóa vàng, giúp họ thăng tiến và thành công trong mọi mối quan hệ xã hội và nghề nghiệp. Trong đó, thuốc nhuộm tóc được xem là thứ mỹ phẩm được săn lùng nhiều nhất, đặc biệt là những quý ông ở lứa tuổi trung niên trở lên.

Paolo Gasparrini, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc L’Oreal Trung Quốc cho biết, nếu 10 năm trước, sản phẩm chăm sóc da dành cho nam giới hoàn toàn vắng bóng trên thị trường Trung Quốc thì hiện nay hãng này kiếm được khoản doanh thu khổng lồ nhờ vào các quý ông ưa làm đẹp. Thậm chí nhu cầu mua sắm mỹ phẩm của đàn ông Trung Quốc còn rầm rộ hơn phái mạnh ở phương Tây.

Một giám đốc cấp cao tại một công ty về mạng xã hội nói: “Chăm sóc vẻ bề ngoài của mình không phải là việc làm nữ tính, đặc biệt là đối với những người có tuổi như tôi trong ngành công nghiệp phục vụ những người trẻ tuổi và đầy nhiệt huyết”. Anh này cũng thừa nhận rằng mình phải dùng mascara của Lancome trong các buổi họp hay thuyết trình quan trọng. “Ngoại hình khá giúp tôi được người khác nể trọng. Đặc biệt là khi làm việc với các nhân viên trẻ. Nó cũng cho đối tác thấy rằng tôi là người nghiêm túc, chú ý đến tiểu tiết và có tư tưởng tiến bộ” - vị giám đốc này giải thích.

Ngoài ra, mỹ phẩm cũng giúp các ứng cử viên trở nên ấn tượng hơn trong mắt nhà tuyển dụng. Mặc dù yếu tố ngoại hình chỉ chiếm 20 - 30% một buổi phỏng vấn, nhưng theo bà Judy Zhu - Giám đốc Công ty tư vấn việc làm quốc tế (CTR) thì: Khi các ứng cử viên có năng lực tương đương nhau, thì ngoại hình khá sẽ là một lợi thế.