Đắk Lắk: Thu rừng dân trồng để… giao cho doanh nghiệp

ANTĐ - Từ năm 2008, tại Ban quản lý Dự án rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng (Đắk Lắk) đã xảy ra vụ tranh chấp hơn 480 ha rừng trồng, giữa 28 hộ dân với Công ty cổ phần trồng rừng Trường thành, khiến quyền lợi chính đáng của người trồng rừng bị xâm phạm.

Ban quản lý Dự án rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng, quản lý, bảo vệ hơn 9 nghìn ha rừng, trong đó có gần 5 nghìn ha rừng sản xuất và rừng trồng. Cụ thể, từ năm 2001 đến 2008, có 3 nhóm hộ (11 hộ) và 17 hộ dân các xã Cư Klông và Ea Tam, huyện Krông Năng được Ban quản lý Dự án rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng giao khoán 546 ha đất lâm nghiệp để trồng rừng, hiện đã trồng được 486 ha keo xen thông. 

Việc giao khoán giữa Ban quản lý Dự án rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng với các hộ dân được thực hiện theo Quyết định số 661/QĐ-TTg, ngày 29-7-1998 của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.

Qua tìm hiểu được biết, trong số 28 hộ nhận khoán, có 12 hộ được Ban quản lý Dự án rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng lập Hồ sơ giao khoán và Khế ước giao khoán đất lâm nghiệp vào ngày 16-6-2001 với thời gian là 50 năm. Còn lại 16 hộ, có hợp đồng trồng và chăm sóc rừng. Theo đó, các hộ nhận trồng rừng cũng được hưởng quyền lợi theo Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg, ngày 12-11-2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp.

Cụ thể, trong 3 năm đầu, các hộ nhận khoán đất lâm nghiệp trồng, chăm sóc rừng được Nhà nước đầu tư theo định mức 4 triệu đồng/ha (bao gồm cả tiền cây giống), và từ năm thứ 4 trở đi được chi trả 100 nghìn đồng/ha/năm cho công tác bảo vệ rừng trồng.

Ngoài ra, theo tính toán, từ khi trồng đến thời kỳ thu hoạch lâm sản, các hộ nhận khoán còn đầu tư thêm kinh phí và công lao động với mức bình quân 30 triệu đồng/ha. Như vậy, về mặt pháp lý, cũng như thực tiễn, thì các hộ dân nhận khoán đất lâm nghiệp để đầu tư trồng rừng chính là chủ rừng và hoàn toàn được quyền hưởng lợi từ rừng.

Đắk Lắk: Thu rừng dân trồng để… giao cho doanh nghiệp ảnh 1
Rừng keo xen thông của hộ Phan Khắc Văn đã đến thời kỳ khai thác gỗ nhưng không khai thác được do xảy ra tranh chấp


Thế nhưng, từ tháng 10-2008 đến nay, 486 ha rừng của 28 hộ dân đã xảy ra tranh chấp với Công ty cổ phần trồng rừng Trường Thành. Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp là do Quyết định số 2572/QĐ-UBND, ngày 3-10-2008 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc thu hồi 568,43 ha đất của Ban quản lý Dự án rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng, để giao cho Công ty cổ phần trồng rừng Trường Thành thuê, đã chồng lấn lên toàn bộ diện tích rừng trồng của dân. Trong khi đó, trước khi ban hành quyết định trên, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra thực địa. 

Tại Biên bản phúc tra “Báo cáo kết quả điều tra hiện trạng rừng và đất đai vùng dự án thuê đất trồng rừng của Công ty cổ phần trồng rừng Trường Thành tại Ban quản lý Dự án rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng”, ngày 7-4-2008, ông Nguyễn Thế Anh Sơn, trên cương vị Giám đốc Ban quản lý Dự án rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng đã đề nghị: “Đối với diện tích đất đã giao khoán cho các hộ dân trồng rừng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ không thể giao cho Công ty cổ phần trồng rừng Trường Thành để lập dự án đầu tư trồng rừng”. 

Như vậy, Quyết định số 2572/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đắk Lắk đã bỏ qua ý kiến của Ban quản lý Dự án rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng, vô hình trung thu hồi toàn bộ diện tích rừng trồng hợp pháp của 28 hộ dân giao cho Công ty cổ phần trồng rừng Trường Thành mà không cần đến các quyết định thu hồi, đền bù cho dân. 

Khu rừng nhận khoán của hộ Phan Khắc Văn đang tạo việc làm cho 8 lao động

Trong các ngày 17 và 18-4, chúng tôi tìm hiểu hiện trạng rừng trồng tại các tiểu khu 311, 314, 315, 316 và 323 cho thấy: Rừng keo xen thông do 28 hộ dân đầu tư trồng, chăm sóc phát triển khá tốt, thông vào thời kỳ cho thu nhựa, cây keo đã đến tuổi khai thác, nhưng do xảy ra tranh chấp nên hiện bà con chưa khai thác được.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Đình Triều, thôn Tam Hà, xã Cư Klông bức xúc: “Được nhận 31 ha đất trồng để trồng rừng, ngoài tiền hỗ trợ của Nhà nước theo Chương trình 661, gia đình tôi phải vay ngân hàng hơn 200 triệu đồng để đầu tư trồng rừng. Thế nhưng từ cuối năm 2008 xảy ra tranh chấp kéo dài, khiến gia đình tôi lâm vào cảnh nợ nần”.

Trong số 3 nhóm hộ nhận khoán trồng rừng, thì nhóm 4 hộ gồm: Phan Khắc Văn, Ngô Văn Vực, Hà Thế Phiệt và Đồng Đức Chính mạnh dạn bỏ vốn đầu tư, với hy vọng làm giàu từ rừng và tạo thêm công ăn việc làm cho bà con địa phương. Với 132,2 ha đất lâm nghiệp nhận khoán trồng rừng trong thời gian 50 năm, hiện nay nhóm hộ ông Văn đã đầu tư trồng được 61 ha, với định mức đầu tư khoảng 30 triệu đồng/ha rừng keo xen thông. Ngoài ra, nhóm hộ ông Văn còn đầu tư 3,5 tỷ đồng để xây dựng 4 hồ đập thủy lợi và 5 km đường nội bộ phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và khai thác rừng.

Ông Phan Khắc Văn tâm sự: "Các hộ dân chúng tôi đã đầu tư vào rừng khá lớn, nhưng nay tranh chấp không được giải quyết, rừng đã đến tuổi khai thác mà không khai thác được, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Thậm chí rừng keo quá 10 tuổi chưa khai thác được đang có hiện tượng rỗng ruột!”.

Ngày 18-4, trao đổi với chúng tôi xung quanh những tranh chấp giữa Công ty cổ phần trồng rừng Trường Thành với 28 hộ dân, ông Nguyễn Văn Lương, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng khẳng định: “Vụ việc đã kéo dài nhiều năm. Mới đây Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk đã có quyết định giải quyết, nhưng các hộ dân không chấp thuận. Hiện bà con đang tiến hành các thủ tục kiện ra Tòa án”.

Qua điều tra, chúng tôi cho rằng, UBND tỉnh Đắk Lắk cần hủy bỏ, hoặc ban hành quyết định điều chỉnh Quyết định số 2572/QĐ-UBND theo hướng không đưa diện tích rừng các hộ dân đã trồng theo Chương trình 661 vào diện tích thu hồi để giao cho Công ty cổ phần trồng rừng Trường Thành. Đồng thời, Ban quản lý Dự án rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng cần kiểm tra, xác minh trên thực địa, hoàn tất thủ tục, hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ dân đã nhận khoán, bảo đảm 28 hộ nhận khoán có đủ điều kiện khai thác lâm sản, hưởng lợi từ rừng theo đúng quy định của pháp luật.