Đại gia... hạ giá

ANTĐ - Hôm trước, đại gia mới tổ chức đám cưới hoành tráng cho con trai, “siêu xe” chạy đầy đường, hôm sau đã ra nước ngoài “chữa bệnh” để lại món nợ khổng lồ hàng nghìn tỷ đồng ở quê nhà cho ông chồng gánh vác. Cùng lúc, hàng chục đại gia bất động sản cỡ bự khác cũng bị cơ quan chức năng “tố” nợ đọng tiền thuế hàng trăm tỷ đồng. Có thể nói, trong vài năm trở lại đây, chưa bao giờ, bức tranh về giới đại gia ở Việt Nam lại bê bối như hiện nay. Nhiều người nói đùa rằng, giá cả thì leo thang mà đại gia thì... hạ giá.

Thực ra, đợt “đại hạ giá” đại gia đã bắt đầu từ giữa năm ngoái, khi Nhà nước tung ra cú đấm sắt “thắt chặt tín dụng”. Ham hố làm giàu bằng... tiền vay của người khác, “đam mê” đầu tư trải dài trên khắp các “mặt trận”... đã khiến nhiều đại gia nhanh chóng rơi vào khủng hoảng chỉ vài tháng sau khi nhà băng khép hầu bao. Chuyện đang đi Lexus chuyển sang dùng xe máy là bình thường, nhiều đại gia còn phải chấp nhận vào tù vì vỡ nợ dây chuyền. 

Mỗi khi thị trường đi xuống, việc làm ăn khó khăn, người ta thường hè nhau kêu Nhà nước cứu. Chứng khoán kêu cứu, bất động sản cũng đòi cứu. Doanh nghiệp nhỏ và vừa yếu ớt thiếu vốn kêu cứu đã đành, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng không e ngại gì khi kêu than cạn kiệt vốn. Họ đem những dự án tầm cỡ quốc gia ra để minh chứng cho sự thiếu vốn, làm ảnh hưởng tới tiến độ và giấu nhẹm đi những vụ đầu tư cỡ lớn ở ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của mình. Còn nhớ, có vị lãnh đạo từng nói mát khi nghe các đại gia kêu cứu: “Lúc anh đầu tư thu lời cực lớn, anh có chia cho người dân, có chia cho Nhà nước không mà giờ thua lỗ anh lại đòi cứu?”.

Dù chỉ là một phần nhỏ của xã hội song hình ảnh của những đại gia tụt hạng đã cho thấy phần nào thực trạng của nền kinh tế phát triển quá nóng theo bề rộng. Tái cơ cấu lại nền kinh tế ở góc độ nào đó cũng sẽ được xem là đợt thanh lọc với các doanh nghiệp, nhà đầu  tư. Những gì trụ lại sẽ có được nền móng vững chắc để vươn lên, còn những gì chụp giật, cơ hội, hào nhoáng bề ngoài chắc chắn sẽ bị cuốn đi.