Đại diện các cơ quan chức năng nói gì về vụ cháy quán karaoke làm 13 người chết

ANTD.VN - Chiều 26-3, phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Nguyễn Diệu Linh (chủ quán Karaoke 68, phố Trần Thái Tông) và đồng phạm tiếp tục…

Tại tòa, Nguyễn Diệu Linh (SN 1986), trú ở phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội; Hoàng Văn Tuấn (SN 1993), ở xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An và Lê Thị Thì (tức Lê Thị Thanh, SN 1962), trú ở phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cùng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”.

Hành vi của các bị cáo được xác định là đã vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) dẫn đến quán Karaoke 68, phố Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) bị hỏa hoạn vào trưa 1-11-2016, khiến 13 người thiệt mạng.

Trả lời thẩm vấn của HĐXX, đại diện đơn vị Cảnh sát PCCC khẳng định: “Không có chuyện quán Karaoke 68 được thi công trước khi được đồng ý bằng miệng”. Trình bày trước tòa, đại diện đơn vị PCCC trình bày, quá trình quán karaoke này thi công, cải tạo, ngày 15-9-2016, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra công tác an toàn cháy nổ.

Lực lượng chức năng đã quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm nhân viên ăn ở, hoạt động tại công trường. Thậm chí còn có văn bản kiến nghị, dừng thi công để thẩm duyệt phương án PCCC, tránh xảy ra cháy nổ, đồng thời thông báo công trình chỉ được phép hoạt động khi có nghiệm thu về an toàn PCCC.

Nữ  chủ quán Karaoke 68 Nguyễn Diệu Linh (ngoài cùng, bên phải) và đồng phạm

Cũng theo đại diện đơn vị PCCC, quá trình thi công do quán karaoke không xuất trình được hồ sơ về công tác PCCC, nên trước đó ngày 17-7-2016, lực lượng chức năng đã mời Nguyễn Diệu Linh lên làm việc. Tại buổi làm việc này, bị cáo Linh xuất trình giấy tờ kinh doanh do UBND quận Cầu Giấy cấp, cùng với giấy thẩm định phương án PCCC.

Thời điểm đó, bị cáo Linh cam kết chỉ đưa cơ sở vào hoạt động nếu đủ hồ sơ và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Sau đó, CAP Dịch Vọng Hậu cũng kiểm tra và thấy không hoạt động. Tuy nhiên, bị cáo Linh vẫn cho công trình hoạt động khi chưa có thẩm duyệt. “Việc bị cáo khai cho phép bằng mồm là không đúng sự thật” - đại diện đơn vị PCCC khẳng định một lần nữa.

Ngoài ra, theo đại diện đơn vị PCCC thì căn cứ vào quy trình công tác, lực lượng chức năng chỉ được kiểm tra quán karaoke đang trong quá trình thi công, cải tạo, sửa chữa không quá hai lần trong một năm. “Chúng tôi không được phép kiểm tra quá hai lần, vì như vậy sẽ vi phạm quy trình” - đại diện đơn vị PCCC cho biết.

Đến lượt trả lời thẩm vấn HĐXX, đại diện UBND quận Cầu Giấy cho biết, chủ cơ sở đã được các cấp, đoàn liên ngành kiểm tra, nhắc nhở và không thấy quán Karaoke 68 hoạt động. Bản thân bị cáo Linh cũng cam đoan không kinh doanh khi chưa đảm bảo đủ điều kiện.

Ở góc độ công tác quản lý Nhà nước, đại diện UBND quận Cầu Giấy cho rằng đã kiểm tra ba lần đều không thấy quán karaoke hoạt động và nguyên nhân chính là ý thức trong việc kinh doanh, đảm bảo an toàn trong lao động. “Để xảy ra vụ việc, chúng tôi đã tiến hành kiểm điểm, kỷ luật những cán bộ liên quan. Thậm chí Phó phòng Văn hóa thông tin còn bị kỷ luật cách chức” - đại diện UBND quận Cầu Giấy cho biết.

Về phần mình, đại diện Đại diện UBND phường Dịch Vọng Hậu trình bày, chính quyền phường có nắm được việc quán Karaoke 68 sửa chữa, nên đã chỉ đạo Công an phường kiểm tra và đề xuất UBND quận Cầu Giấy lập đoàn liên ngành kiểm tra sâu hơn, đồng thời đã tuyên truyền để chủ cơ sở kinh doanh chấp hành pháp luật.

Theo đại diện UBND phường sở tại, trong 3 lần kiểm tra không phát hiện quán karaoke cho khách hát. Cả 3 lần kiểm tra đó, bị cáo Linh đều cam kết sẽ hoạt động, kinh doanh theo đúng pháp luật. “Sự việc xảy ra là rất đáng tiếc. Vừa kiểm tra hôm 25 thì ngày 26 bị cáo cho hát. Điều đó thể hiện bị cáo bất chấp pháp luật” - đại diện UBND phường Dịch Vọng Hậu trình bày.

Bị tòa án truy vấn: “Quán không phải là cơ sở bí mật, việc không biết bị cáo cho khách hát, chính quyền phường có thấy thiếu sót trong quá trình quản lý”? Đáp lời, đại diện UBND phường nơi xảy ra vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng này trình bày: “Sự việc xảy ra, chúng tôi thấy cần phải tăng cường kiểm tra hơn nữa. Tuy nhiên, địa bàn phường rộng, lực lượng lại mỏng”.

Trước đó, trả lời HĐXX, cả 3 bị cáo là Nguyễn Diệu Linh (chủ quán Karaoke 68), Hoàng Văn Tuấn (thợ hàn điện) và Lê Thị Thì (chủ cơ sở hàn xì và cũng là chủ sử dụng lao động đối với Tuấn) đều khai nhận hành vi phạm quy định về PCCC như cáo trạng xác định.

Luận tội các bị cáo, đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa khẳng định căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai tại phiên tòa có đủ cơ sở khẳng định Nguyễn Diệu Linh và đồng phạm đã vi phạm các quy định về PCCC.

Cụ thể, đối với bị cáo Linh mặc dù quán Karaoke 68 chưa được phép kinh doanh vì chưa hoàn thiện hệ thống PCCC, nhưng bị cáo vẫn chỉ đạo nhân viên cho khách vào quán hát karaoke khi đang sửa chữa, lắp đặt thiết bị. Bị cáo giữ vai trò chính trong vụ án.

Đối với bị cáo Tuấn thì không được đào tạo, không được cấp chứng chỉ hành nghề cơ khí, kỹ thuật và trong lúc hàn xì không có phương án bảo đảm an toàn, nhưng vẫn dùng máy hàn xì thi công nên dẫn tới hậu quả nghiêm trọng của vụ án.

Tương tự, bị cáo Thì là người sử dụng lao động đối với bị cáo Tuấn dù biết rõ bị cáo Tuấn không đủ điều kiện hành nghề, nhưng vẫn chỉ đạo đến quán Karaoke 68 để hàn xì, lắp đặt thiết bị…

Theo đại diện VKS, hành vi của các bị cáo là rất nguy hiểm đối với xã hội và gây hậu quả đặc biệt lớn làm 13 người thiệt mạng,  cần phải áp dụng những hình phạt nghiêm khắc mới đủ sức giáo dục, cải tạo các bị cáo và phòng ngừa chung.

Trên cơ sở đó, đại diện VKS lần lượt đề nghị HĐXX sơ thẩm xử phạt Nguyễn Diệu Linh từ 10 năm tù đến 11 năm tù; Hoàng Văn Tuấn từ 6 năm tù đến 7 năm tù và Lê Thị Thì từ 5 năm tù đến 6 năm tù, đều về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”, theo Điều 240-BLHS.

Ngày mai (27-3), phiên tòa tiếp diễn ở phần tranh luận.