Đại biểu Quốc hội phải dự họp đầy đủ để thực hiện trách nhiệm với cử tri

ANTĐ - “Cần tiếp tục tăng cường việc tranh luận trong các phiên họp của Quốc hội đối với các chính sách được trình ra, vừa không lãng phí thời gian vừa đạt chất lượng cao. ĐBQH phải đi họp đầy đủ để bảo đảm việc thực hiện trách nhiệm với cử tri”... Đó là ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trong phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội khóa XIII được khai mạc sáng nay, 14-7.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, kỳ họp 9 là kỳ họp được lòng dân, gần dân, phát huy đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và đổi mới. Về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là kỳ họp quan trọng, thảo luận và thông qua số lượng lớn dự án luật, đồng thời xem xét các vấn đề về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại của đất nước trong 1 năm nên cần thảo luận kỹ, làm tốt công tác chuẩn bị. UBTV Quốc hội sẽ cho ý kiến về kế hoạch triển khai việc tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Đây là nội dung quan trọng, đánh giá toàn bộ cả nhiệm kỳ 5 năm của Quốc hội, qua đó thấy được chất lượng hoạt động của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu

Đánh giá về kỳ họp thứ 9, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phan Trung Lý, và nhiều ý kiến khác nhấn mạnh, kết quả của kỳ họp thứ 9 tiếp tục góp phần thiết thực đưa Hiến pháp vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng của cử tri cả nước, được nhân dân đánh giá cao. 

Tuy vậy, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Trương Thị Mai cho rằng, có 3 vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu cải tiến rút kinh nghiệm, đó là: Về trách nhiệm của Trưởng Ban soạn thảo, nên bố trí cho Trưởng ban soạn thảo sau lần thảo luận đầu tiên có thể phát biểu đưa ra ý kiến bảo vệ chính sách mình đề xuất hoặc ghi nhận ý kiến của các ĐBQH; Khắc phục việc đọc bài phát biểu sẵn của ĐBQH, tăng tính tranh luận nhằm lôi cuốn mọi người đều tham gia. Thực tế có nhiều bài phát biểu viết sẵn gây trùng lặp, tạo ra không khí mệt mỏi. ”Tôi thích ĐB phát biểu không cần văn bản có sẵn mà căn cứ vào diễn biến phiên họp để đưa ra ý kiến”, bà Trương Thị Mai phát biểu.

Cũng theo bà Trương Thị Mai, ĐBQH có trách nhiệm xây dựng chính sách và tuyên truyền giải thích chính sách cho người dân, nhưng nhiều đại biểu tuyên truyền chưa chính xác làm cho người dân hiểu chưa đầy đủ, trọn vẹn. Trong kỳ họp tới cần tiếp tục tăng cường việc tranh luận trong các phiên họp của Quốc hội, vừa không lãng phí thời gian vừa đạt chất lượng cao. ĐBQH phải đi họp đầy đủ để bảo đảm việc thực hiện trách nhiệm với cử tri.

         

Quang cảnh phiên họp

Nhận xét về kết quả của kỳ họp vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho ý kiến, nhiều cử tri đặt câu hỏi sao Quốc hội không thảo luận về vấn đề Biển Đông? Có thể nói, trong mỗi nội dung cụ thể của phiên họp, bất kỳ nội dung nào, bất kỳ vấn đề nào mà Quốc hội và đại biểu đề cập đến đều hướng đến quan điểm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và vấn đề Biển Đông. Từ kinh tế, xã hội cho đến các luật đều bàn về vấn đề này.

         
 Về các nội dung khác liên quan, nhiều ý kiến bàn luận, với khối lượng công việc rất lớn, công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 cần được làm thật tốt, qua đó mới đảm bảo được chất lượng và thành công của kỳ họp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, công tác lập pháp tại kỳ họp thứ 10 cần được chuẩn bị kỹ lưỡng vì ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng của cả kỳ họp. Cơ quan chuẩn bị soạn thảo phải làm cho kỹ, trình đúng hạn, thẩm tra sơ bộ bước đầu các dự án luật, nếu không đạt yêu cầu phải loại bỏ khỏi chương trình kỳ họp.

 
Đối với công tác chất vấn tại kỳ họp thứ 10, dự kiến sẽ chất vấn và trả lời chất vấn, kết hợp với xem xét báo cáo thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần có kế hoạch cụ thể về cách thức tiến hành chất vấn tại kỳ họp tới.