- Luật Căn cước ra đời sẽ gắn liền với Luật Giao dịch điện tử
- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Xây dựng Luật Căn cước rất cần thiết, phù hợp với sự phát triển của xã hội
Quang cảnh phiên thảo luận tổ ĐBQH đoàn Hà Nội |
Sáng nay, 10-6, Quốc hội thảo luận tổ về Luật Căn cước. Qua thảo luận ở các tổ, đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết thông qua Luật này.
Luật hướng đến 4 mục tiêu chính
Tại tổ ĐBQH đoàn Hà Nội, thảo luận về nội dung này, Trung tướng Nguyễn Hải Trung – Giám đốc CATP Hà Nội khẳng định, nội dung xuyên suốt của dự thảo Luật Căn cước hướng tới mục tiêu phục vụ, đảm bảo tiện ích của người dân và các cơ quan thực hiện các thủ tục hành chính.
Thứ hai, Luật hướng tới đảm bảo chuyển đổi số quốc gia. Theo Đại biểu Nguyễn Hải Trung, để đảm bảo chuyển đổi số quốc gia thì quan trọng nhất là phải có cơ sở dữ liệu, trong đó cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xác định là yếu tố quan trọng số 1, ngoài ra các Bộ, Ngành có các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Theo đúng tinh thần của Đề án 06/CP, để phục vụ chuyển đổi số quốc gia, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phải có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia trong khâu giải quyết các thủ tục hành chính thuộc chức năng của các ngành.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung nêu rõ, hiện nay, chúng ta đang thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về nghiên cứu, ứng dụng, phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân nhằm phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Dự thảo Luật Căn cước cũng đã bao hàm các nội dung của Đề án 06.
Mục tiêu thứ ba được đại biểu Nguyễn Hải Trung nêu ra là Luật Căn cước hướng tới cải cách hành chính, giảm giấy tờ. Căn cước công dân cũng như định danh điện tử, căn cước điện tử, nếu sau này các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối thì sẽ giúp giảm được rất nhiều giấy tờ có liên quan.
ĐBQH, Trung tướng Nguyễn Hải Trung phát biểu thảo luận tổ |
Một mục tiêu hướng tới nữa khi xây dựng Luật Căn cước là cải cách thủ tục hành chính và góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Đại biểu Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh, khi tất cả thủ tục đã thực hiện trên môi trường mạng, chuyển đổi số, thì mọi thứ đều công khai, minh bạch, hạn chế tiếp xúc giữa người làm thủ tục với cán bộ nhân viên hành chính và qua đó sẽ góp phần quan trọng trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Phục vụ hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Căn cước, ngoài đối tượng là công dân Việt Nam thì Luật đã bổ sung thêm thành phần “người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch”, cụ thể là bổ sung việc cấp căn cước cho nhóm đối tượng “người gốc Việt Nam không có quốc tịch đang sinh sống ở Việt Nam”.
Đại biểu Nguyễn Hải Trung dẫn ví dụ, ở phía Nam, nhiều bà con Khơ Me từ Campuchia về, không có giấy tờ gì. Những người này cũng phải tham gia các hoạt động xã hội để đảm bảo cuộc sống, ngược lại chúng ta cũng phải quản lý họ. Hiện, cơ quan chức năng đã có cơ sở dữ liệu về nhóm cư dân này. Do vậy, cần phải quy định trong Luật để đảm bảo tính chính danh, và bảo đảm tốt hơn quyền con người cũng như phục vụ công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự.
Về quy định cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi, Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết, dự thảo Luật mới chỉ khuyến khích chứ chưa bắt buộc.
Thực tế, trẻ em cũng có rất nhiều hoạt động đòi hỏi phải có giấy tờ chứng thực, xác thực nhằm đảm bảo “con người đó là con người đó, không thể là người khác”. Việc xác thực này nhằm phục vụ mọi hoạt động của đời sống, từ đi học, khám bệnh, hay di chuyển bằng phương tiện vận tải công cộng…
Đại biểu Nguyễn Hải Trung cho biết, hiện nay để tham gia những hoạt động đó thì trẻ phải dùng giấy khai sinh; song giấy khai sinh chưa đảm bảo tính xác thực cao vì không có nhận diện, không có ảnh, không có sinh trắc; lại dễ bị hỏng, rách nát… Vì thế, thẻ căn cước sẽ khắc phục được các hạn chế trên và đáp ứng được tiêu chí dễ sử dụng, dễ bảo quản.
Về nội dung tích hợp một số thông tin về công dân vào chip của thẻ căn cước như dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hải Trung đánh giá, việc này sẽ góp phần giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức và công dân trong các giao dịch hành chính, dân sự, đi lại, góp phần cải cách thủ tục hành chính.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh, vấn đề chuyển đổi số quốc gia là nhu cầu của tất cả các ngành, mỗi ngành lại khai thác ở một góc độ riêng. Trên cơ sở đề nghị của các Bộ, Ngành, nếu cơ sở dữ liệu về căn cước công dân mà tích hợp được cơ sở dữ liệu chuyên ngành, một số thông tin cơ bản từ cơ sở dữ liệu chuyên ngành gắn với công dân thì sẽ rất thuận lợi cho các ngành.
“Vì thế, Luật này không phải chỉ phục vụ cho ngành Công an mà phục vụ cho rất nhiều ngành, phục vụ tốt hơn cho chuyển đổi số quốc gia” – đại biểu Nguyễn Hải Trung nói.
Trước một số ý kiến băn khoăn về việc hạ tầng công nghệ thông tin hiện nay đã đảm bảo chưa, rồi bảo vệ bí mật dữ liệu thế nào?... Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết, luật pháp mà đi trước được thực tiễn thì là điều rất tốt. Hệ thống cơ sở hạ tầng đến một lúc nào đó sẽ phải được hoàn thiện.
Còn về vấn đề bảo vệ bí mật dữ liệu, ngày 7-4-2023 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Sau này, có thể khi tổng kết Nghị định sẽ phải đánh giá và nâng lên thành luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.