Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII:

Đại biểu nữ đưa ý kiến trái chiều về tuổi nghỉ hưu

ANTĐ - Trong cuộc thảo luận về dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) sáng nay, (23-5), trong khi chế độ nghỉ thai sản cho phụ nữ là 6 tháng được nhiều đại biểu đồng tình thì ngược lại độ tuổi nghỉ hưu cho người lao động lại nhận được các ý kiến trái chiều.

Nhiều lao động nữ nghỉ hưu rồi lại phải đi làm thêm!

Trong phiên họp sáng nay, tuổi nghỉ hưu của người lao động, đặc biệt là lao động nữ nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các vị đại biểu. 
Theo đó, nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành tuổi nghỉ hưu đối với nam là 60, nữ là 55, đối với một số đối tượng là người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo hoặc người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Cùng nhất trí với phương án này, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, tuổi nghỉ hưu đối với nam là 60, nữ là 55 là hợp lý, phù hợp sức khỏe, thể trạng của hai giới.
Bên cạnh ý kiến về tuổi nghỉ hưu, đại biểu này cũng góp ý kiến về giờ làm thêm. Theo ông, làm thêm giờ nhưng không quá 4 giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ được làm thêm không quá 300 giờ trong một năm là hợp lý, phù hợp xu hướng tiến bộ, vì khi công nghệ phát triển, thời gian làm việc phải giảm bớt để bảo đảm sức khỏe cho người lao động. 
Đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cũng bày tỏ quan điểm nhất trí với độ tuổi nghỉ hưu nam 60, nữ 55 tuổi. Ông còn góp ý thêm, Việt Nam đang ở trong thời kỳ "dân số vàng", cần sử dụng và có giải pháp phù hợp để tận dụng và phát triển nguồn lực này.
Trái với những ý kiến trên, cũng có đại biểu cho rằng, nên quy định tuổi nghỉ hưu của cả lao động nam và lao động nữ đều là 60 để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, đảm bảo an toàn lâu dài đối với quỹ bảo hiểm xã hội và thích ứng với xu hướng già hóa dân số.
Đại biểu nữ Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, nên xem xét lại tuổi nghỉ hưu của nữ giới, bởi trên thực tế, khi đã nghỉ hưu những vẫn có nhiều phụ nữ phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống. 
Bà An cũng phân tích rằng, để đào tạo được một cán bộ nữ về khoa học rất khó khăn, đất nước thì rất cần những người tài, không nên để đội ngũ nữ này nghỉ bởi rất lãng phí. Trong khi các cơ quan, trường học, bệnh viện phải đi thuê những người chưa đủ tầm để tham gia giảng dạy, nghiên cứu. Mặt khác, nhiều bệnh viện tuyến dưới còn thiếu nhân lực giỏi, quá tải bệnh viện ở tuyến trên...

Trước ý kiến này của đại biểu Bùi Thị An, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng, nghỉ hưu là quyền, không phải thiệt thòi, vì khi đến tuổi nghỉ hưu, người lao động được nghỉ ngơi mà vẫn được xã hội chăm lo. Ông cũng bày tỏ, không nên tăng tuổi nghỉ hưu, vì nữ giới phải làm công việc chân tay trong thời gian dài là nặng nề. Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái): cũng cho rằng, tuổi nghỉ hưu của nam là 60, nữ là 55 là hợp lý. Bên cạnh đó, bà cũng cho biết: "Trong dự thảo cũng đã thêm chi tiết có thể điều chỉnh đối với nhóm lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, làm việc ở vùng cao, vùng xa do bị suy giảm sức lao động được nghỉ hưu trước thời gian quy định và quy định cụ thể thời gian tăng tuổi nghỉ hưu, đối với nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; nhóm lao động làm công tác quản lý, dự thảo đã thể hiện theo hướng có thể kéo dài thời gian làm việc (nhưng không quá 5 năm) nếu tự nguyện, có sức khỏe và nhu cầu lao động, theo tôi là hợp lý".
Đại biểu nữ đưa ý kiến trái chiều về tuổi nghỉ hưu ảnh 1
Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh độ tuổi nghỉ hưu của Lao động nữ
(Ảnh minh họa)

Nhất trí, 6 tháng nghỉ thai sản


Chế độ nghỉ thai sản cho phụ nữ là một vấn đề được đông đảo các vị đại biểu quan tâm, và cũng nhận được sự đồng tình của hầu hết các đại biểu. 

Trước đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đưa ra hai phương án quy định về thời gian nghỉ thai sản cho nữ giới:  phương án 1: Người lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.

Phương án 2: lao động nữ làm việc trong điều kiện bình thường được nghỉ trước và sau khi sinh con là 5 tháng. Người lao động nữ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm theo chế độ ba ca, làm việc thường xuyên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc ít người thuộc danh mục do Chính phủ quy định, người lao động nữ là người khuyết tật được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng”.

Trước 2 phương án này, Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với phương án 1 vì thấy rằng xu hướng tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ là quy định tiến bộ, hướng đến mục tiêu là bảo vệ thế hệ tương lai và chất lượng giống nòi. Trong điều kiện hiện nay, nếu thời gian nghỉ thai sản là 6 tháng, theo tính toán của cơ quan Bảo hiểm xã hội thì Quỹ bảo hiểm xã hội có thể cân đối được. Bên cạnh đó, phương án này bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với điều kiện sống và các nhóm công việc khác nhau, đề cao quyền lựa chọn của lao động nữ để phù hợp với công việc, cuộc sống của mình và bảo đảm được hưởng đầy đủ chế độ thai sản.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) bày tỏ sự nhất trí theo phương án Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tán thành. Theo ông, nghỉ trước và sau sinh 6 tháng sẽ tạo điều kiện cho các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng, đảm bảo chất lượng trẻ em trong tương lai. 

Đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cũng cho rằng, cả hai phương án đều tiến bộ vì đã tăng thời gian nghỉ cho phụ nữ, tuy nhiên phương án 1 hợp lý hơn vì nghỉ trước và sau sinh 6 tháng đối với tất cả các bà mẹ là phù hợp khuyến cáo tổ chức Y tế thế giới, góp phần tăng chất lượng giống nòi và đảm bảo sức khỏe của bà mẹ.

Nhất trí với các ý kiến trên, tuy nhiên, đại biểu đến từ Hải Phòng góp ý thêm rằng, nên linh hoạt hơn trong chế độ nghỉ thai sản cho nữ giới, cụ thể, nếu hết 4 tháng nghỉ, lao động nữ có nhu cầu đi làm sớm hoặc sau 6 tháng, lao động nữ có nhu cầu nghỉ thêm thì có thể xem xét tạo điều kiện.

Đề nghị tăng lương tối thiểu

Ngoài 2 nội dung chính trên, nhiều đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ nên xem lại chế độ tiền lương cho người lao động để tránh tình việc người lao động phải đôn đáo đi làm thêm, ảnh hưởng sức khỏe, năng suất lao động.

Đại biểu Tp.HCM cho biết, nên xem xét lại chế độ tiền lương, vì trên địa bàn thành phố thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ đình công vì bất cập trong chế độ, chính sách tiền lương. Cũng theo ông, cần xem xét chế độ tiền thưởng cho người lao động, vì theo tâm lý của người lao động, sau cả năm làm việc, ai cũng muốn có một khoản thưởng. 

Một số đại biểu cũng mong Chính phủ xem xét tăng mức lương tổi thiểu cho người dân để đảm bảo cuộc sống. 

Chiều nay, Quốc hội sẽ họp về dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi, sau đó đến 16h30, Quốc hội họp riêng (chỉ có sự tham dự của các đại biểu) để nghe trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Nương trình bày tờ trình đề nghị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An.

Sau cuộc họp này, chiều mai (24-5) các đoàn đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận về bãi nhiệm và sẽ bỏ phiếu bãi nhiệm vào sáng 26-5.