Đa dạng hóa nguồn lực bảo vệ môi trường

ANTĐ - Đánh giá của chuyên gia quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, mặc dù nguồn lực tài chính được huy động để phục vụ bảo vệ môi trường đã được quan tâm và tăng lên song chưa đáp ứng yêu cầu. 

Theo báo cáo, chi thường xuyên cho sự nghiệp môi trường hàng năm đã đạt 1% tổng chi ngân sách Nhà nước, cụ thể như năm 2012, con số này là 9.050 tỷ đồng. Song mức chi này được các nhà quản lý đánh giá là quá thấp so với yêu cầu thực tế của nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Thêm vào đó, tại một số địa phương, việc sử dụng nguồn chi thường xuyên cho bảo vệ môi trường chưa đúng mục đích, chưa hiệu quả. 

Các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cũng chỉ ra rằng, do là nguồn chi thường xuyên, dựa vào Nhà nước nên kinh phí từ nguồn này không thể bố trí để đầu tư giải quyết triệt để các vấn đề môi trường bức xúc ngày một gia tăng. Trong khi đó, môi trường đất, không khí, nguồn nước ở nhiều nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, một số nơi còn ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và gây ra những tác động tiêu cực khác.

Theo các chuyên gia, cần hình thành cơ chế để huy động nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ tài nguyên, môi trường theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư và chi trả, coi đây là giải pháp đột phá khắc phục tình trạng thiếu nguồn lực tài chính đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường, giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần kết hợp tăng chi từ ngân sách với đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường bao gồm cả ưu tiên vay vốn ưu đãi, huy động tài trợ không hoàn lại từ các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước và huy động các nguồn lực trong xã hội.