Đã bất tín thì...

ANTĐ - Khí hậu ngày càng khốc liệt. Không khí chính trị, không gian sinh tồn ẩn chứa không ít hiểm họa. Song song với những phát minh kỳ diệu của con người, thì lại chính con người, cũng là “thủ phạm” của những hiểm họa trong môi trường sống ấy! Văn hóa Hy-La. Văn hóa Hoàng Hà - Dương Tử. Văn hóa sông Ấn - sông Hằng, Văn hóa sông Nile... Thế rồi đến văn minh của các nước phát triển, những cường quốc đương đại... Tất cả, tất cả đã dẫn đến hàng ngàn cuộc hành trình lớn nhỏ từ Tây sang Đông rồi từ Đông sang Tây. Người ta thăm đất, xuống biển, lên trời, sa mạc và Bắc, Nam cực...

Cái “biết” (tri) của loài người chừng mở ra vô biên. Nhưng rồi người ta lại không ít bàng hoàng trước những Thập Tự Chinh, những cuộc thời này đào mồ chôn thời kia, những cuộc chiến tranh nóng, lạnh, khủng bố không ngừng diễn ra, khi toàn cầu, khi cục bộ...

Và đến mấy năm gần đây người ta thấy xuất hiện những diễn biến hiểm họa không sao tưởng tượng được khi cái “lưỡi bò” định liếm trọn Biển Đông và có thể cả Biển Đông Bắc Á! Bịa ra vô vàn những việc đương đại. Bịa tạc, vu cáo, đổi trắng thay đen cả lịch sử. Coi thường, xóa bỏ mọi cam kết thỏa thuận chính đáng cả những điều thuộc tầm vóc quốc gia, quốc tế...

Những ý đồ đen tối, gian dối đến trắng trợn ấy, sẽ còn gây kinh hoàng gấp bao nhiêu lần nữa khi nó lại xuất phát từ một miền đất, từ một nền văn hóa sâu xa, rực rỡ, đáng quý trọng vào bậc nhất hành tinh, là Trung Hoa!...

1. Kẻ thù lớn nhất (của mọi cá nhân, cộng đồng) lại là chính... mình! (Phỏng lời Phật dạy).

2. Khi lợi nhuận lên tới 100%, nó có thể treo cổ chính nó! (Sự thiển cận và tham tàn, phỏng lời K.Marx).

3. Có một điều không bao giờ muộn đấy là sự hối hận và phản tỉnh” (phỏng lời G.D.Maupassant - tác giả “Một cuộc đời”).

Khi nhắc lại những ý tưởng trên, dù xuất phát từ đâu, cũng không xa lạ gì với một nền văn hóa lớn như Trung Hoa khiến tôi càng thấy xót xa, căm giận trước những ứng xử hiện tại của nhà cầm quyền nước họ. Với những nhà cầm quyền, nếu không biết khai thác những truyền thống tốt đẹp của lịch sử đất nước, mà chỉ nhăm nhăm dùng lại những hạn chế, tiêu cực, những “mưu ma chước quỷ” tiểu nhân của quá khứ thì tránh sao được con đường tự cô độc mình, sự mất tin cậy và khinh ghét của đồng loại. Không những nó có thể gây ra những tai ương cho đồng loại mà còn khó tránh khỏi những thảm kịch cho chính đất nước mình khi lòng dân không phục; sự bất hợp tác, sự mai một của những bậc nghĩa khí, hiền tài trong dân tộc mình như không ít những quốc gia, và như chính lịch sử Trung Hoa đã trải.

Còn biết nói thế nào về mối quan hệ giữa những Tần Cối với những Khuất Nguyên, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị... và những cuộc nội chiến, nội loạn triền miên!

Thiên hạ vốn đại đồng (chứ không phải là đại loạn). Sự khác biệt nào đó vẫn chỉ là tiểu dị chứ đâu đến mức phải “ăn thịt lẫn nhau” khi quả thật chính ta đã có một cốt cách, một tấm lòng “chân quân tử”. Một sự bất tín là vạn sự không tin!

Thú thực, tôi thường nghĩ và viết về Trung Hoa từ nhiều năm với rất nhiều tri ân, quý trọng nhưng cũng không ít những âu lo, quan ngại...