Cựu phó vụ trưởng nhận hối lộ hơn 14 tỷ đồng bị đề nghị từ 12-13 năm tù

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều 28-5, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Lộc An (cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) kết thúc phần tranh tụng. Chiều mai (29-5), Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra phán quyết.

Chủ động gợi ý và nhiều lần nhận hối lộ

Bước vào phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát (VKS) thực hành quyền công tố phát biểu quan điểm giải quyết vụ án. Đại diện VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Nguyễn Lộc An mức án 12-13 năm tù về tội “Nhận hối lộ” và áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền 100 triệu đồng.

Liên quan, VKS đề nghị xử phạt bị cáo Nguyễn Tuấn Quỳnh (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty Long Hưng) 3 năm tù cho hưởng án treo về tội “Đưa hối lộ”, đồng thời áp dụng hình phạt bổ sung phạt 50 triệu đồng.

Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa

Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa

VKS cũng đề nghị xử phạt 2 bị cáo thuộc Công ty Bách Khoa Việt gồm Trần Trác Việt Đức (Giám đốc) mức án 11-12 năm tù và Đỗ Thị Tuyết Nga (Kế toán trưởng) mức án 3-4 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị HĐXX buộc bị cáo Đức phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước 105 tỷ đồng, xác định bị cáo đã nộp 1 tỷ đồng. VKS cũng đề nghị buộc bị cáo Nguyễn Lộc An nộp lại số tiền 14,2 tỷ đồng sung công quỹ. Xác nhận gia đình bị cáo An đã nộp xong số tiền này thay bị cáo.

Theo VKS, bị cáo Nguyễn Lộc An lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình là Trưởng đoàn kiểm tra cấp phép kinh doanh xăng dầu gợi ý, đề nghị Trần Thị Loan Phương và Nguyễn Tuấn Quỳnh đưa hối lộ và nhiều lần nhận hối lộ. Hành vi của bị cáo gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu là lĩnh vực quan trọng về an ninh năng lượng; phục vụ phát triển kinh tế, phục vụ đời sống người dân.

Bị cáo An đã chủ động gợi ý để nhận hối lộ và nhiều lần nhận hối lộ với số tiền lớn nên bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, bị cáo cũng có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tích cực hợp tác; bị cáo có nhiều thành tích trong công tác, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen; nộp lại số tiền hưởng lợi… nên được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.

Đối với bị cáo Nguyễn Tuấn Quỳnh, VKS đánh giá bị cáo không chủ động đưa hối lộ. Do bị cáo Nguyễn Lộc An gợi ý và do sợ bị gây khó khăn trong việc kinh doanh xăng dầu nên đã đồng ý chi 5 tỷ đồng. Hành vi phạm tội của bị cáo Quỳnh có mức độ.

Sau khi đưa hối lộ, bị cáo đã nhận thức được sai phạm nên tích cực phối hợp, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Hậu quả Công ty Long Hưng không đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đã được bị cáo chỉ đạo khắc phục.

Công ty Long Hưng do bị cáo Quỳnh lãnh đạo điều hành và bản thân bị cáo có nhiều thành tích xuất sắc, có đóng góp cống hiến cho xã hội. Hiện, bị cáo mắc bệnh suy thận mạn tính giai đoạn cuối và nhiều bệnh khác, tỷ lệ tổn thương cơ thể 81%. Do đó, VKS đã xem xét giảm nhẹ hình phạt, áp dụng chính sách khoan hồng, cho bị cáo được hưởng án treo.

Ngoài ra, bị cáo Trần Trác Đức Việt đã chỉ đạo bị cáo Đỗ Thị Tuyết Nga sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không đúng mục đích như trả nợ ngân hàng, nợ thuế, mua hàng để kinh doanh, trả lương… gây thất thoát tài sản Nhà nước 105 tỷ đồng.

Luật sư và các bị cáo chỉ xin nhẹ tội

Kết thúc phần tranh luận, cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước và các bị cáo liên quan được nói lời sau cùng, trước khi Tòa nghị án.

Bị cáo Nguyễn Lộc An (ngoài cùng, bên phải) và các bị cáo liên quan

Bị cáo Nguyễn Lộc An (ngoài cùng, bên phải) và các bị cáo liên quan

Nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Lộc An trình bày bản thân năm nay đã 61 tuổi nên kính mong Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét hoàn cảnh bản thân và tinh thần khắc phục hậu quả vụ án để cho bị cáo sớm trở về với xã hội.

Trước đó, bào chữa cho bị cáo An, luật sư không có ý kiến về việc xác định tội danh của bị cáo nhưng cho rằng mức án đề xuất của đại diện VKS có phần nghiêm khắc và chưa xem xét đầy đủ, toàn diện về điều kiện, vai trò, tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo.

Theo luật sư, gia đình bị cáo An đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền hơn 14 tỷ đồng. Việc chủ động, tự nguyện xin khắc phục hậu quả thể hiện bị cáo đã có ý thức nhận trách nhiệm về hành vi mình gây ra.

Luật sư đề nghị HĐXX xem xét áp dụng cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 51 - Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả)…

Trong khi đó, giọng yếu ớt vì bệnh tật, bị cáo Nguyễn Tuấn Quỳnh (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty Long Hưng) nghẹn ngào không nói lên lời.

Bào chữa cho bị cáo Quỳnh, luật sư đề nghị áp dụng tình tiết khoan hồng đặc biệt, miễn hình phạt cho bị cáo. Bởi theo luật sư, bị cáo Quỳnh có nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng. Bị cáo hiện là người bị khuyết tật nặng, đã suy giảm đến trên 81% sức khỏe (suy thận mạn, đã phẫu thuật ghép thận 2 lần, đang điều trị bằng thuốc chống thải ghép).

Ngoài ra, bị cáo còn mắc nhiều bệnh khác, khó có thể tự chăm sóc bản thân, luôn cần phải có sự hỗ trợ từ người khác. Với tình trạng sức khỏe ngày càng kém, chỉ cần cách ly bị cáo trong thời gian vài giờ cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Trong thời gian công tác, bị cáo là doanh nhân có đóng góp cho xã hội như: thành tích đóng thuế cho Nhà nước trong suốt thời gian qua gần 15.000 tỷ đồng; được nhiều giấy khen của Tổng cục Thuế...

Hai bị cáo còn lại là Trần Trác Việt Đức và Đỗ Thị Tuyết Nga thì mong muốn tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt trong lời nói sau cùng.