Cựu nhân viên phục hồi chức năng người tâm thần “chế” giấy tờ giả lừa tiền tỷ của đồng nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cần tiền chi tiêu, Chu Nghiêm Anh hết lần này đến lần khác làm giả giấy tờ nhà đất, ô tô giả thế chấp vay tiền tỷ của đồng nghiệp, rồi chiếm đoạt.

Ngày 28-3, TAND TP Hà Nội đưa Chu Nghiêm Anh (SN 1986, cựu nhân viên Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội) ra xét xử về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 20-3-2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Cơ quan CSĐT - Công an huyện Ba Vì, Hà Nội) nhận được đơn của bà Phùng Thị N (SN 1968, ở huyện Ba Vì) tố cáo Chu Nghiêm Anh có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và Chứng nhận đăng ký xe ô tô giả để vay tiền rồi bỏ trốn.

Kết quả điều tra xác định, năm 2013, Chu Nghiêm Anh được tuyển dụng làm nhân viên Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội. Do làm cùng cơ quan nên từ năm 2018, Nghiêm Anh nhiều lần vay tiền của bà Phùng Thị N để sử dụng chi tiêu cá nhân.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Khoảng cuối năm 2018, khi tổng số tiền Nghiêm Anh vay của bà N lên đến 800 triệu đồng thì bà N không cho vay thêm nữa. Sau đó, Nghiêm Anh tiếp tục hỏi vay tiền và bà N yêu cầu phải có sổ đỏ thể chấp.

Khoảng đầu năm 2019, Nghiêm Anh lên mạng xã hội thuê đối tượng không quen biết làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất. Hai bên thỏa thuận chi phí làm giả 1 sổ đỏ với giá 13 triệu đồng.

Nghiêm Anh đồng ý và cung cấp họ tên, số chứng minh thư nhân dân của chị Nguyễn Thị T (SN 1986, ở huyện Ba Vì), đồng thời nhờ cửa hàng kinh doanh điện thoại chuyển khoản số tiền 8 triệu đồng đến số tài khoản do người làm giả sổ đỏ chỉ định.

Khoảng một tuần sau, có một người giao hàng không biết tên, tuổi, địa chỉ đưa cho Nghiêm Anh sổ đỏ mang tên Nguyễn Thị T với diện tích 90m2, do Sở tài nguyên và môi trường TP Hà Nội cấp ngày 18-3-2018. Nhận sổ đỏ, Nghiêm Anh trả số tiền còn lại cho người giao hàng.

Sau đó bị cáo nhờ người khác viết giấy bán đất đề ngày 19-5-2019, nội dung: Tôi Nguyễn Thị T có nhà đất tại xã Thụy An, huyện Ba Vì sổ đỏ số hiệu CI3579xx, diện tích 90m2 vì gia đình khó khăn tôi đồng ý bán nhà (đất) cho Chu Nghiêm Anh số tiền 650 triệu đồng. Tiếp đến, Nghiêm Anh thế chấp sổ đỏ giả trên để vay tiền của bà N.

Đến khi Nghiêm Anh vay của bà N tổng số tiền khoảng 1 tỷ đồng (cả lần vay trước khi thế chấp sổ đỏ giả) thì bà N không cho vay thêm nữa. Khoảng giữa năm 2019, do muốn tiếp tục vay tiền của bà N, Nghiêm Anh gửi thông tin họ tên, năm sinh, địa chỉ, số chứng minh nhân dân của Nghiêm Anh và vợ cho đối tượng đã làm giả sổ đỏ lần trước để tiếp tục thuê làm giả giấy tờ.

Sau khi chuyển tiền, khoảng 1 tuần sau có một người giao hàng đưa cho Nghiêm Anh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BU 2563xx, thửa đất số 3xx, tờ bản đồ số 1x, địa chỉ: xã Thụy An, huyện Ba Vì, Hà Nội, diện tích 1150 m2 mang tên vợ chồng Chu Nghiêm Anh.

Cũng như lần trước, Nghiêm Anh tiếp tục dùng sổ đỏ giả trên để thế chấp, vay tiền của bà N. Ngày 14-2-2020, bà N gọi điện thoại thông báo cho Nghiêm Anh biết tổng số tiền Nghiêm Anh vay của bà này là 1,7 tỷ đồng nhưng chưa trả tiền lãi.

Hôm sau, Nghiêm Anh đến nhà bà N kiểm tra sổ sách, chốt số tiền vay, đồng thời viết Giấy vay tiền với chồng bà N, nội dung là vay của chồng bà N 1,7 tỷ đồng để làm ăn kinh tế, để lại sổ đỏ mang tên Chu Nghiêm Anh, hẹn đến ngày 15-3-2020 sẽ hoàn trả số tiền trên.

Khoảng giữa năm 2020, Nghiêm Anh muốn tiếp tục vay tiền của bà N nhưng không có tài sản thế chấp. Do cùng làm tại Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần số 1 nên Nghiêm Anh biết thông tin cá nhân và thông tin, đặc điểm xe ô tô của một đồng nghiệp cùng làm.

Do đó, Nghiêm Anh gửi thông tin cá nhân và thông tin xe ô tô của người đồng nghiệp trên cho đối tượng không quen biết trên mạng đặt làm giả Chứng nhận đăng ký xe ô tô với giá 10 triệu đồng. Nhận đăng ký xe ô tô giả mang tên đồng nghiệp, Nghiêm Anh tự viết Giấy bán xe từ đồng nghiệp sang mình.

Sau đó, Nghiêm Anh nói dối bà N là chủ xe đã bán ô tô cho mình và dùng đăng ký xe ô tô giả thế chấp vay bà N 50 triệu đồng nữa. Do số tiền Chu Nghiêm Anh chiếm đoạt lớn và không có khả năng khắc phục, khoảng cuối năm 2022 bị cáo bỏ trốn vào TP. HCM, cắt mọi liên lạc với chủ nợ.

Không liên lạc được với Nghiêm Anh, ngày 17-3-2023, bà Phùng Thị N gửi đơn đến Cơ quan CSĐT - Công an huyện Ba Vì tố cáo Chu Nghiêm Anh có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại tòa, bị cáo thành khẩn khai nhận các hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Về phần bị hại, bà N không đến phiên tòa nhưng đã có đơn đề nghị cơ quan pháp luật buộc Chu Nghiêm Anh phải khắc phục toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt. Trước phiên tòa, người thân bị cáo mới khắc phục cho bà N hơn 100 triệu đồng.

Khép lại phiên xử, TAND TP Hà Nội quyết định tuyên phạt Chu Nghiêm Anh 9 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 3 năm tù tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Tổng hợp hình phạt chung, cựu nhân viên Trung tâm Chăm sóc phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội phải chấp hành mức án chung là 12 năm tù.