Cuối năm, tình trạng lao động nghỉ việc, giãn việc "hạ nhiệt"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tình trạng hàng trăm nghìn lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV năm 2022 đã giảm nhiệt trong các tháng cuối năm 2023.
Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Sáng 26/12, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2023, thị trường lao động tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm tiếp tục tăng so với năm trước.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, tình trạng hàng trăm nghìn lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV năm 2022 đã giảm nhiệt trong các tháng cuối năm 2023.

Theo báo cáo nhanh từ các địa phương cho biết số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý III là khoảng 54,2 nghìn người, giảm 187,3 nghìn người so với quý trước, trong đó chiếm đa số là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 66,3% tổng số lao động nghỉ giãn việc), chủ yếu ở ngành da giày (chiếm 31,9%), tiếp theo là dệt may (chiếm 30,9%). Số lao động bị mất việc trong quý III năm 2023 là 118,4 nghìn người, giảm 99,4 nghìn người so với quý trước.

Trong đó, tập trung chủ yếu ở các lao động thuộc các ngành dệt may, da giày và chủ yếu tập trung ở hai tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ là Bình Dương (khoảng 33,6 nghìn người) và TP.HCM (khoảng 34,6 nghìn người).

Các chỉ số về lực lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm, thu nhập của người lao động cơ bản ổn định. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,4 triệu người, tăng 0,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2022; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%; lao động có việc làm là 51,2 triệu người, tăng 776,0 nghìn người so với 9 tháng năm 2022.

Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực, lao động có việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,8 triệu người (chiếm 27%), giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước; số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là khoảng 1,079 triệu người; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 26,8%.

Ước thực hiện năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27-27,5%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 2,76%, đạt mục tiêu.

Cùng với đó, các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh. Ước thực hiện cả năm số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 155.000 người, đạt 129% so với kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022. Hiện tại có khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đối với việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến tháng 11/2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 17,515 triệu người; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 14,304 triệu người.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đánh giá, năm 2023 là một năm đầy khó khăn, thách thức. Nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp, với quyết tâm của cán bộ công chức, người lao động toàn ngành, Bộ đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; kịp thời xử lý, phản ứng chính sách; vừa thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa chú trọng xử lý những tồn đọng, những vấn đề mới phát sinh.