Cuộc chơi không dành cho những người... yếu bóng vía

ANTĐ - Cổ vật, những món đồ xưa cũ, có giá trị văn hóa, lịch sử… khiến cho không ít nhà sưu tầm, người chơi mê mẩn. Người ta nói, ai đã mê cổ vật thì còn yêu nó hơn cả mạng sống của mình. Đánh vào tâm lý đó, giới buôn bán cổ vật đã tạo ra một thị trường bát nháo với đủ thứ chuyện dở khóc, dở cười.

Ảnh minh hoạ

Thú chơi tốn kém

Năm 1983, ông Hoàng Dụ (ở 12 Đặng Tất, Hà Nội) bị công an bắt. Ngoài tội buôn bán kim cương không tìm thấy chứng cứ, Hoàng Dụ nổi tiếng vì chứa trong nhà rất nhiều cổ vật, trong đó có những cổ vật vô giá, ví dụ như bức trướng cành vàng lá ngọc lớn hơn nhiều lần so với cành vàng lá ngọc còn lưu trong bảo tàng kinh thành Huế. Lúc đó, buôn bán cổ vật là một tội. Thậm chí sở hữu cổ vật không chứng minh được nguồn gốc cũng là một tội. Sau đó một loạt vụ ám sát cửa hàng, nhà riêng một số chủ buôn bán đồ cổ ở trên đường Nam Bộ (sau đổi là Lê Duẩn, Hà Nội), người bị bắt, cổ vật bị tịch thu. Phong trào sưu tầm buôn bán cổ vật giảm nhiệt hẳn.

Năm 1986 có các cửa hàng bán đồ cổ dưới dạng hàng lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ mới ở Hà Nội lại nở rộ dọc các phố cổ, đường Lê Duẩn và bây giờ là đường Nghi Tàm, Âu Cơ. Từ buôn bán tàng trữ trái phép, bây giờ những người sưu tầm, buôn bán cổ vật trở thành các nhà sưu tập, có hội nghề nghiệp, có luật pháp bảo trợ. Tuy nhiên, cổ vật có hai mặt của nó. Một mặt có giá trị văn hóa, có đôi thứ là bảo vật quốc gia mặt khác nó có giá trị hàng hóa. Vậy cần phải xem xét cẩn trọng việc cho phép buôn bán cổ vật. Bài học của nhiều nước đã có: Phải chạy vạy khắp thế giới thu mua lại với giá khủng khiếp những tài sản của quốc gia mình.

Vào những năm 1970, ở Hà Nội chỉ có vài người. Cụ Nguyên Ninh ở Hàng Than, nhà Đức Minh, cụ Huệ Muối (ở Hàng Muối), cụ Huệ Ngà ở phố Huế, nhà anh Dụ, cụ Dương (Hàng Trống), bà Cả Tràu (ở Trương Định), ông Ngô Lân ở Trần Phú, anh Hoàng ở Hàng Đậu… Đến đầu năm 1980 buôn bán đồ cổ trở nên phát tài mua 1 bán 50, cho nên nở rộ một loạt các cửa hàng mua bán cổ vật ở nhiều nơi trong thành phố rồi tập trung về đường Nam Bộ.

Cho đến cuối những năm 1990 đầu ra của cổ vật chủ yếu vẫn là khách nước ngoài. Khách mua ở các cửa hàng rồi bằng nhiều cách, chủ yếu là hối lộ hải quan cửa khẩu để mang đi. Phổ biến là để lấy các cổ vật vào các hàng thủ công mỹ nghệ rồi mang ra khỏi biên giới. Với những khách mua nhiều, nhà hàng phải đóng thùng để lẫn trong đó hàng xuất khẩu quý cho một công ty ngoại quốc nào đó, rồi qua công ty nọ tới tay khách hàng.

Nhưng nguồn hàng ở đâu trong khi đất nước ta thời chiến tranh rất nghèo, ít người chơi cổ vật. Cho đến cuối những năm 1970 nguồn cổ vật chủ yếu là sưu tầm trong dân gian, chủ yếu trong các hộ nông dân, đúng hơn trên bàn thờ của các hộ nông dân. Chắc chắn cha ông họ cũng chân lấm tay bùn, nhà tranh vách đất không thể có cổ vật quý được. Cổ vật phân tán trong dân gian rất ít là do tổ tiên để lại mà hầu hết là do đợt cải cách ruộng đất. Ông V.D một người trong giới sưu tầm cổ vật đã từng đi lùng cổ vật trong các làng quê kể rằng, ông từng đến một gia đình ở Hải Dương mua được một cái lọ củ tỏi đời Càn Long men chàm cao 45 cm rất đẹp với giá tương đương 50 kg gạo. Chủ nhà đang dùng chiếc lọ quý ấy đựng hạt giống đậu cô ve và mấy chục năm qua nó vẫn được dùng đựng hạt giống. Tại một gia đình ven biển Thanh Hóa ông ta lùng được chiếc lọ Đông Thanh cực đẹp được dùng để đựng mắm tôm, bán được hơn 15.000 USD.

Một nguồn nữa làm các cổ vật lưu lạc nơi dân gian là phong trào chống phong kiến, mê tín dị đoan. Hàng loạt đình đền chùa miếu, phủ, quán đã bị phá hoại vào những năm 1980. Hàng nghìn tượng Phật, tượng mẫu, tượng thần thánh, ngai thờ, đồ cúng tiến bị trôi sông, bị chiếm đoạt. Đã có sự tính toán sơ bộ số cổ vật và các công trình kiến trúc bị phá hủy trong thời kỳ đó tương đương trên 3 tỷ USD. Đó là chưa kể các giá trị phi vật thể như hàng trăm lễ hội, hàng chục kịch bản diễn xướng dân gian cũng đã mất tích.

Đi “xứ” săn cổ vật

Có thời, dân đồ cổ gọi nghề đi mua rẻ cổ vật của nông dân, của các gia đình ở các tỉnh là đi “xứ”. Họ đi đã đành, họ còn chiêu tập các chân rết đi “xứ”, đến mỗi nơi họ gài một người săn lùng cả khu vực để phát hiện, chỉ trỏ cho họ đến mua. Vậy là sinh ra các tay sưu tập ở địa phương mua được thì tốt, không mua được thì thuê lũ trộm, không trộm được thì họ gạ gẫm đám trẻ trong nhà trong họ lấy đi bán. Về cơ bản đến khoảng 1985 đã hết cổ vật trong dân, hoặc nếu có thì còn rất ít. Đồ cổ khan dần, các đền chùa trở thành nạn nhân của đám sưu tầm cổ vật, lần lượt tất cả các đền chùa đều bị cạy cửa, không chỉ đồ sứ, đồ đồng, sắc phong mà cả tượng Phật, đạo tặc cũng không tha. Gần đây, một loạt các tượng Phật cổ ở chùa Đức La, Bắc Giang trong một đêm không cánh mà bay. Có tin đồn, cổ vật vô giá đó đã tuồn ra nước ngoài.

Khi cổ vật trong dân gian đã cạn thì giới mua bán cổ vật bắt đầu mò đến tìm nguồn cổ vật ở các ngôi mộ cũ vốn có rất nhiều đồ sành sứ cổ, có nhiều đồ ta niên đại thời Lý Trần, đồ Tàu có niên đại tới đời Minh. Đó là các đồ dùng để chứa tro xương và đồ tùy táng. Vậy là một phong trào đào mộ lan rộng từ Hòa Bình ngược lên Sơn La, Sơn Tây xuống Ninh Bình, Thanh Hóa. Người ta còn đồn rằng những người mê đồ cổ còn sắm “thuốn” vào tận trong Thanh Hóa đào bới. Họ lặng lẽ vác “thuốn” đi xiên nhẹ nhàng vào đất. Từng cm2 một. Hễ mũi thuốn chạm vào một vật cứng. Nghe tiếng họ biết đó là gì, đồ sứ tiếng cạch cạch, đồ đồng tiếng bục bục, đá tiếng âm gốc, cây không có tiếng… Thuốn chạm vào đâu, cứ thấy tiếng kêu là… đào. Thế nhưng vụ đó, mấy ông mê đồ cổ cùng 20 quân của mình đào bới cả tháng trời, kết quả là được vài chục cái bát “gối đầu” ở mả, lỗ hơn trăm triệu.

Nhưng có một ông ở Thanh Hóa, mua rẻ được món đồ đời Minh là chiếc ang men ngọc với giá một cái vỏ chăn Trung Quốc, đem ra Hà Nội bán với giá 1.200 USD một chiếc. Ít lâu sau xem một tờ tạp chí nước ngoài đôi ang ấy được bán với giá 97.000 USD/chiếc. Anh bạn đi mua ang ở Thanh Hóa tiếc... “đứt ruột”.

Đến cuối những năm 1990 kinh tế phát triển, thu nhập của người dân tăng nhanh, nhiều triệu phú, tỷ phú xuất hiện. Một loạt các doanh nhân giàu có nghĩ tới việc sưu tầm đồ cổ. Ông chủ nhà hàng Đông Sơn, Cầu Giấy, ra mắt bộ trống đồng và một loạt các món đồ đá cổ thời Phùng Nguyên trị giá hàng chục tỷ đồng. Ông từng “thách” dân chơi cổ vật rằng với hàng trăm hiện vật được cho là cổ của mình, nếu ai chứng minh được, nhà hàng Đông Sơn xin tặng luôn 10.000 USD. Và tôi tận mắt được ông ta cho xem đôi tượng đá ngọc cổ đời Phùng Nguyên, được ra giá 160.000 USD mới bán, mà chỉ bán cho người Việt Nam am hiểu đồ cổ, không bán cho khách nước ngoài sợ không bao giờ được xem lại món đó nữa.

Thật giả lẫn lộn

Ông Đào Trọng Cường, Giám đốc công ty Thần Châu Ngọc Việt, nghệ nhân sáng tạo ra nghề cẩn ngọc làm tranh đá quý dự một bữa tiệc ở nhà hàng Vườn hoa thế giới (ở Vân Nam, Trung Quốc) mua đấu giá được hai món cổ vật quý của Trung Quốc mang về nước. Đó là, chiếc bình sứ  Cảnh Đức Trấn (Giang Tây) dưới thời vua Đồng Trị (nhà Thanh) vẽ hoa trà và có chữ Hỷ, cao 23 cm, trong đựng 1kg trà Phổ Nhĩ (một loại trà quý nổi tiếng tại Vân Nam, Trung Quốc) giá 3.000 nhân dân tệ. Và một cái lọ lục bình vẽ hoa trà và chữ Hỷ đời Đồng Trị cao 43 cm, giá 8.000 nhân dân tệ. Đồ cổ này có giấy chứng nhận “xịn” luôn.

Thế nhưng, tôi có anh bạn mua phải chiếc dao giả cổ Đông Sơn, lưỡi cũ gắn keo một cách tinh vi với chuôi mới giá 20.000USD, chỉ biết kêu trời. Không chỉ một mình anh bị lừa như vậy, còn rất nhiều người mua đồ đời mới với giá đồ cổ hàng nghìn năm. Lý do ư, vì hiện nay chúng ta mới chỉ xác định cổ vật thật, giả bằng kinh nghiệm, bằng mắt thường chứ Việt Nam chưa có một trung tâm giám định cổ vật, để xác định niên đại của các sản phẩm nào. Nên nghề chơi cổ vật hiện nay, vẫn được xem như một “cuộc chơi không dành cho người yếu bóng vía”. Do vậy, giới mê cổ vật, rất mong Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sớm ra đời một trung tâm giám định cổ vật, để họ đỡ bị hớ khi mua bán cổ vật.