Cuộc chiến với tin giả

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo kết quả khảo sát của Viện Thăm dò dư luận (Gallup) và Quỹ Hiệp sĩ (Knight Foundation) tại Mỹ, khoảng 65% người dân đánh giá thông tin trên phương tiện truyền thông xã hội mà họ tiếp xúc là thông tin sai lệch. Một nghiên cứu về tình hình tin tức giả mạo thực hiện mới đây tại Hà Nội, TP.HCM cho biết, có 63% người dân ở 2 thành phố công nhận đã tiếp xúc với các tin tức giả mạo trong vòng 3 tháng vừa qua.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Tin giả (fake news) có nhiều cách hiểu, song bản chất của tin giả là chứa đựng những thông tin không đúng sự thật khách quan như vốn thế và đã xảy ra, hoặc chỉ có một phần sự thật, nhưng được gia giảm thêm nhiều tình tiết không đúng, sự giải thích bình luận gây cách hiểu méo mó, làm vẩn đục, nhầm lẫn và sai lệch về sự việc, con người, hoạt động được đưa tin.

Tin giả ngày càng phổ biến và là vấn nạn ngày càng trở nên phức tạp, nguy hiểm trong truyền thông ở mỗi quốc gia và trên quy mô toàn cầu. Len lỏi phát tán trong cộng đồng với những nội dung, quy mô và trong nhiều lĩnh vực khác nhau, gây nhiều hệ lụy tiêu cực, đe dọa sự lành mạnh thông tin và ổn định trật tự xã hội; làm ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp.

Tin giả có thể xuất phát từ sự vô ý, tùy tiện, thiếu trách nhiệm hoặc chủ ý của người tạo ra và đưa tin, nhằm phá hoại và trục lợi về kinh tế, làm giảm uy tín, hiệu quả hoạt động của cơ quan, hệ thống thể chế quốc gia và cá nhân; đầu độc dư luận và sự phát triển lành mạnh, dân chủ của xã hội. Thậm chí, nhiều chiến dịch tung tin giả được hoạch định và triển khai bài bản, chuyên nghiệp, công phu, tinh vi và tốn kém nhằm trực tiếp và gián tiếp can thiệp định hướng dư luận có mục tiêu vào đời sống chính trị - xã hội, can thiệp vào kết quả bầu cử Tổng thống của cả các nước kém phát triển, cũng như nước phát triển nhất trên thế giới…

Sự phổ cập và phát triển nhanh chóng của Internet và các mạng xã hội với hàng tỷ người dùng thường xuyên như Facebook, Twitter… đã góp phần làm trầm trọng thêm các hậu quả đa dạng gây ra bởi các tin giả. Trong thời gian tới, khi công nghệ cao, kể cả sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), được lợi dụng nhiều hơn nữa trong quá trình sản xuất tin giả, thì khối lượng tin giả sẽ còn tăng với tốc độ khủng khiếp hơn nhiều, lan tràn khắp nơi và đi vào từng ngõ ngách của cuộc sống; ảnh hưởng tiêu cực đến từng cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức và đời sống kinh tế - xã hội, thậm chí đối với cả thể chế... Tin giả và đối phó tin giả giống như trò đuổi bắt vô định mà mỗi bên đều cố gắng sử dụng những công cụ tinh vi nhất; kết quả là người đuổi càng nhanh, thì người chạy còn nhanh hơn.

Cuộc chiến với tin giả đòi hỏi, một mặt, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý và sự hợp tác cộng đồng quốc tế chặt chẽ, hiệu lực hơn; tăng vai trò đưa tin kịp thời, chính thức và bảo đảm chất lượng thông tin của báo chí truyền thống và chính thống; bảo đảm trách nhiệm giải trình của người đưa tin và của các cơ quan chức năng; mặt khác, tăng cường năng lực nhận thức phân biệt tin thật và tin giả của người dân và nâng cao ý thức trách nhiệm của nhà báo, sự thận trọng và kiểm chứng trước các thông tin nhận được hoặc có ý định lan truyền…

Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng nhiều smartphone và mạng xã hội vào loại cao, lại luôn nằm trong nhóm quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trên thế giới. Vừa qua đã có hàng loạt tin giả được tung lên không gian mạng, gây xôn xao dư luận. Đặc biệt, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid -19, một số đối tượng đã phát tán tin giả nhằm “câu view, câu like” và kích động tâm lý đám đông mua sắm, tích trữ hàng hóa, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh, tạo áp lực và sự bất ổn trong xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân với Nhà nước, với chế độ.

Ngày 12-6-2018, Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1-1-2019 là cơ sở pháp lý cần thiết, quan trọng để ngăn chặn xử phạt nạn tin giả. Trong đó, quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm về đưa tin trên mạng nhằm: Xuyên tạc lịch sử; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân; gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội; gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng… Nếu vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ phạm tội.

Các cơ quan chức năng Việt Nam, cùng với việc thường xuyên yêu cầu các trang mạng xã hội như Facebook, Google… gỡ bỏ các tài khoản, video clip có nội dung xấu độc, vi phạm phát luật, cần sớm có quy định pháp luật về xử lý tin giả và tăng cường kỹ năng nhận diện và ngăn chăn tin giả cho học sinh và người dùng mạng để tự bảo vệ mình.