Cũng tại dân mình nghèo

ANTĐ - Vụ lở núi cướp đi 18 sinh mạng ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái làm chấn động cả xã hội. Thương cảm trước sự tang thương của một xã nghèo miền núi, chị Trần Thị Thu (29 tuổi, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) cố tìm hiểu nguyên nhân của sự việc này.

- Cả nghìn khối đất đá từ trên trời đổ xuống, liệu trách nhiệm này thuộc về ai?

- Con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên. Đây là vấn đề chung của các tỉnh miền núi có khoáng sản. Khi doanh nghiệp có đầy đủ điều kiện thì không thể không cấp phép khai thác. Vừa tạo việc làm vừa thêm ngân sách. Vấn đề là tại sao người dân lại đi mót quặng? 

- Do chính quyền quản lý lỏng lẻo?

- Không hẳn. Năm nay thấy bảo Mù Cang Chải không được mùa vì thiếu nước canh tác. Ngay trước khi thảm họa xảy ra, chính quyền xã cùng doanh nghiệp đã vận động, yêu cầu bà con ký cam kết không đi mót quặng. Ký thì ký nhưng họ vẫn lao đi làm, nhất là vào những ngày nông nhàn, mùa giáp hạt. Đi mót quặng một ngày cũng được từ 100 đến 200 nghìn đồng, nguy hiểm còn hơn ôm bụng đói. 

- Thế nguyên nhân chính của sự việc đau thương này

là gì?

- Theo tôi, nếu có cuộc sống đầy đủ, sung túc, chắc chắn không ai đi mót quặng cực khổ và nguy hiểm như vậy. Cũng vì nghèo nên nhiều người hàng ngày vẫn bất chấp nguy hiểm để kiếm sống. Khai thác quặng cũng là nguyên nhân gây thiếu nước canh tác. Dân phản đối khai thác quặng nhưng cứ thấy vỉa quặng nào lộ ra là họ “mót” ngay. Mà khai thác quặng thế này, chục năm nữa lên Tây Bắc có khi chẳng còn ruộng bậc thang nữa, thay vào đó là “miệng” những vỉa quặng loang lổ, đầy nguy hiểm. 

- Nghèo thì biết quy trách nhiệm cho ai bây giờ?

- Buồn thế đấy. Nhiều địa phương giờ phát hiện ra mỏ quặng là bỗng nhiên lại thấy… sợ. “Để thì thương, vương thì tội”.