Cung - cầu khó gặp nhau

ANTĐ - Như mọi năm sau Tết Nguyên đán, giới doanh nghiệp thường bồn chồn lo lắng về tình trạng người lao động “nhảy việc” hoặc chậm trở lại nơi sản xuất. Năm nay, điều đó không xảy ra do khó khăn kinh tế khiến hàng chục nghìn lao động mất việc, hầu hết công nhân không có tâm lý “đứng núi này trông núi nọ” nhấp nhổm nhòm ngó mức lương cao thấp. Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội cho biết, các công ty sử dụng hàng chục nghìn lao động đều trở lại làm việc từ 97-98%.

Nhìn chung, diễn biến thị trường lao động cả nước từ quý IV-2012 đến quý I-2013 không có biến động lớn về cung cầu lao động và mức lương. Nhiều công ty, doanh nghiệp đã quan tâm chăm lo tới đời sống người lao động trước tết bằng quà cáp, thưởng, không nợ lương, nợ bảo hiểm nên không có tình trạng khan hiếm lao động. Nhu cầu tuyển dụng lao động ở Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương ít thay đổi so với quý I năm trước. Tâm lý phổ biến của người lao động là ổn định nơi làm việc và mức lương. Tuy nhiên đây chỉ là bước “khởi động” của thị trường lao động, bởi năm 2013 vẫn được nhìn nhận là năm mất cân đối cung cầu lao động đã kéo dài từ nhiều năm nay. Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại buổi tọa đàm trực tuyến “Kết nối cung - cầu trên thị trường lao động và định hướng phát triển” vừa diễn ra. Khoảng cách ngày càng lớn giữa cung - cầu được chỉ ra là do doanh nghiệp và người lao động chưa gặp nhau. Người lao động vẫn hạn chế về chuyên môn, kĩ thuật, công nghệ và ngoại ngữ nên rất khó “lọt mắt” các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoặc công ty trả lương cao. Về phía doanh nghiệp, họ thường đăng tuyển dụng cao gấp 5 - 10 lần so với nhu cầu thực tế để “lấp chỗ trống” của những lao động… nhảy việc. Một số doanh nghiệp còn trốn nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động nên phải tuyển thêm người vào để thế chân những lao động ra khỏi doanh nghiệp.

Khoảng trống giữa cung - cầu lao động còn bị nới rộng bởi khâu trung gian kết nối giữa doanh nghiệp và lực lượng tìm việc tại các sàn giao dịch việc làm. Thực tế cho thấy, phần lớn lao động phổ thông mới tìm đến các sàn này, còn lao động có trình độ, có quyền lựa chọn thường kiếm việc qua các website hoặc trực tiếp “gõ cửa” doanh nghiệp nhiều sàn giao dịch chỉ thu hút được những doanh nghiệp quy mô nhỏ, ít tiếng tăm. Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cũng nhận xét, sở dĩ cung - cầu lao động chưa gặp nhau là vì nguồn cung đến các phiên giao dịch, sàn giao dịch chủ yếu là lao động trẻ, thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng mềm, đặc biệt là các lò đào tạo chưa nắm bắt nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Vì thế, việc tuyển dụng lao động trực tiếp qua sàn rất hạn chế. Tỷ lệ kết nối cung - cầu lao động chỉ đạt 20-25%, cao nhất đạt 30%. Hơn thế, người lao động cũng rơi vào tình trạng ảo tưởng về nghề nghiệp, trình độ của mình nên thường đòi hỏi mức lương, đãi ngộ vượt quá năng lực.

Dự báo thị trường lao động năm 2013 tuy không sôi động và căng thẳng như mọi năm, song nguy cơ dư thừa lao động ở một số ngành đã bão hòa và thiếu hụt ở những ngành nghề đòi hỏi trình độ, tay nghề cao vẫn là một nghịch lý chưa thể giải quyết căn cơ. Mất cân đối cung - cầu lao động, cung - cầu có lẽ còn lâu mới “gặp” được nhau.