Cục Thú y nói gì về việc cấp phép lô hàng 22.000 lon sữa từ Úc gửi ủng hộ TP.HCM chỉ trong 2 ngày?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những sản phẩm sữa xuất phát từ các quốc gia đã được chứng minh đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ được Cục Thú y tạo điều kiện tối đa.

Liên quan đến việc đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) nêu tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch Covid-19 sáng 9/11 về việc một lô hàng 22.000 lon sữa từ Úc chuyển về ủng hộ, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) trả lời đồng ý sau 2 ngày, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) lại đề nghị hỏi Chính phủ, đại diện Cục Thú y cho hay, với chức năng, nhiệm vụ được Bộ NN&PTNT giao, Cục Thú y luôn thực hiện đúng yêu cầu, nguyên tắc của kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật, với tinh thần tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.

Theo đó, có những trường hợp kiểm tra có thể cấp giấy phép trên hệ thống điện tử, qua email.

"Những sản phẩm sữa xuất phát từ các quốc gia đã được chứng minh đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ được chúng tôi tạo điều kiện tối đa nhất vì họ không chỉ có lô sữa ủng hộ trẻ em TP.HCM trong đại dịch mà còn nhiều lô sữa khác được nhập về từ quốc gia này phục vụ người tiêu dùng" - đại diện Cục Thú y nói.

Cũng theo Cục Thú y, trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Chỉ thị 26, chỉ đạo của Bộ NN&PTNT đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh dịch Covid-19, ngay sau khi Cục Thú y nhận được đề xuất của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM về việc cho phép nhập 22.000 lon sữa của đồng bào tại Úc ủng hộ bà con chống dịch, Cục đã có văn bản đồng ý ngay.

"Thứ nhất, đây là sản phẩm xuất phát từ quốc gia an toàn dịch bệnh, thứ hai, trong bối cảnh dịch bệnh, cần tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp trên cơ sở đảm bảo đúng thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam" – lãnh đạo Cục Thú y cho biết.

Trước đó, trong phiên thảo luận ở hội trường về kinh tế -xã hội; ngân sách Nhà nước; công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sáng 9/11, ĐBQH Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) nêu một thực tế, trong báo cáo công tác phòng, chống dịch của Chính phủ năm 2021, phần giải pháp để thực hiện mục tiêu nhiệm vụ, chưa thấy đề cập đến việc làm sao để thúc đẩy sự mạnh dạn, ý thức, vai trò của mỗi Bộ, ngành, đơn vị, nhất là đơn vị tham mưu thấy được trách nhiệm của mình.

Nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là "chống dịch như chống giặc" nhưng theo ĐB Châu, không phải cơ quan, đơn vị nào cũng ý thức được điều đó. Trong khi, địa phương cần xin ý kiến về các quy định trong trường hợp "nước sôi, lửa bỏng" như phòng chống dịch.

ĐBQH Tô Thị Bích Châu nêu ví dụ cụ thể, có một lô hàng với hơn 22.000 lon sữa do đồng bào ở Úc ủng hộ trẻ em khó khăn trong đại dịch Covid -19 tại TP.HCM. Mặt trận Tổ quốc TP đã xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm, Cục Thú y.

Cục Thú y chỉ trong 2 ngày trả lời đồng ý; còn Cục An toàn thực phẩm nói "đề nghị TP.HCM hỏi Chính phủ". TP.HCM gửi công văn đến Chính phủ thì việc này được giao về Cục An toàn thực phẩm trả lời.

Vậy tại sao Cục An toàn thực phẩm không nêu chính kiến và tham mưu cho Chính phủ một văn bản trả lời?.

ĐBQH Tô Thị Bích Châu cho rằng, cách làm của Cục An toàn thực phẩm là đúng quy trình, nhưng không đúng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.