Của chìm với của nổi

ANTĐ - Lâu lắm rồi không hề thấy trẻ con ra rả học thuộc lòng: “Nước ta rừng vàng, biển bạc, tài nguyên dồi dào…” như hồi chúng ta cắp sách đi học.

- Rừng vàng bị tàn phá tan hoang, đất cằn, đồi trọc. Biển thì bị khai thác, tận diệt đến từng con tôm, con tép. Khoáng sản thì bị đào bới, moi ruột, đến than đá cũng sắp phải nhập khẩu.

- Đừng bi quan thế! Nghe ông nói, có lẽ nước ta sắp nghèo gần bằng… Nhật Bản. Một đất nước cực nghèo tài nguyên thiên nhiên, phải nhập khẩu tới 90% nguyên nhiên liệu.

- Nghèo thế lại hóa may, phải bỏ tiền ra nhập khẩu mới biết xót xa, tằn tiện. Nghèo tài nguyên nhưng giàu đầu óc, trí tuệ, chứ không có kiểu “ăn xổi”, “bóc ngắn cắn dài” như ta. Ngẫm ra chẳng sai “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.

- Nhãn tiền ngay đấy thôi, cha ăn mặn, thì cha khát cháy họng, đâu phải đợi đến đời con cháu. “Của chìm” đã như thế còn “của nổi” thì bao nhiêu khu công nghiệp, khu kinh tế, cảng biển, sân bay, dự án “treo” lơ lửng khắp các tỉnh, thành… lãng phí không biết đâu mà tính hết.

- Vừa rồi người ta còn “phát hiện” hàng loạt con tàu trọng tải lớn trị giá từ vài trăm tỷ đến cả nghìn tỷ đồng nằm “chết lâm sàng” trên dọc vùng biển từ Bắc chí Nam. Chúng hóa thành những con tàu “ma khủng”, dập dềnh trên sóng. Cùng với dăm cái ụ nổi “nổi tiếng” mấy trăm tỷ đồng, hàng chục “núi thép” khổng lồ ấy cộng với những thứ vừa tạm kể ở trên, có thể coi là “của nổi” mà đời cha để lại cho đời con.

- Ý ông là “của để dành” chứ gì? Dự án “treo”, công trình “đắp chiếu”, đất đai bỏ hoang phí, tàu biển, ụ nổi thành sắt thép phế thải… vài chục năm nữa mới đem ra dùng thì quả là có tầm nhìn xa, trông rộng thật.

- Thôi nói làm gì của chìm với của nổi cho thêm nẫu ruột! Người ta còn lo của ăn, của để thì ai còn đầu óc nào nghĩ tới của cải của dân, của nước.