CSGT đường thủy Hà Nội - lặng thầm giữ bình yên trên sông

ANTD.VN - Dù trong tiết trời khô hanh, nhưng nhiều khúc trên dòng sông Hồng vẫn “gầm gừ” hiểm nguy đắm đò, đuối nước. Những nguy cơ này đang được Phòng Cảnh sát đường thủy CATP Hà Nội hóa giải bằng chính những việc làm, hành động thiết thực...

Những bến đò ngang dọc sông Hồng lâu nay đã trở thành “lối đi” quen thuộc của cả triệu lượt người. Tham gia giao thông đường thủy có những quy tắc khác biệt so với trên đường bộ. Tuy nhiên, tất cả đều phải đảm bảo một nguyên tắc bất di bất dịch, đó là an toàn.

Ấm lòng giữa mùa đông

Liên tiếp các đợt không khí lạnh tăng cường trong những ngày cuối tháng 12 này, khiến cho mặt sông Hồng nhiều nơi như đông lại. Đứng ở trên bến đò thị xã Sơn Tây, Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy CATP Hà Nội cho biết, bến đò thị xã Sơn Tây có từ rất lâu, là con đường huyết mạch nối hai tỉnh Hà Nội và Vĩnh Phúc ở nơi thượng nguồn sông Hồng. Cho đến nay, dù trên dọc hai bờ sông đã có nhiều cây cầu được xây dựng, nhưng bến đò này mỗi ngày đón trung bình cả nghìn lượt hành khách qua sông. Đây là lý do để các đơn vị của Phòng Cảnh sát đường thủy chọn làm điểm cấp phát áo phao.

Cảnh sát đường thủy tổ chức cấp phát áo phao và tuyên truyền cho các chủ bến đò về an toàn, phòng ngừa đuối nước

Ngay từ sáng sớm, vài trăm chiếc áo phao đã được các CBCS Phòng Cảnh sát đường thủy tập kết ở khu vực bến đò này. Nhiều chủ bến khách ngang sông ở các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Sơn Tây, Ba Vì cũng có mặt.

Bác Nguyễn Đăng Hùng, chủ một bến đò ở thị xã Sơn Tây không giấu nổi niềm vui chia sẻ: "Vài năm trước chúng tôi đã được các Cảnh sát đường thủy tặng áo phao. Tuy nhiên do sử dụng nhiều, lại để trên đò trong điều kiện mưa nắng liên tục khiến áo phao bị hỏng, rách bẩn. Nhiều hành khách vì thế mà từ chối mặc khi đi đò. Nay được Cảnh sát đường thủy tặng áo phao mới, không chỉ hành khách an toàn mà nỗi lo của người chủ bến như chúng tôi cũng được giải tỏa".

Việc mặc áo phao sẽ giúp hành khách đi đò cũng như chủ bến được an toàn

Không chỉ có bác Hùng, hàng chục chủ đò khác khi nhận những chiếc áo phao mới tinh cũng bày tỏ tâm trạng vui mừng. Bác Nguyễn Thị Linh, chủ bến đò ở huyện Ba Vì cho hay, bản thân đã làm nghề chèo đò từ nhỏ. Sau khi có xuồng máy thì sức người mới đỡ nhưng nguy cơ đuối nước, đắm đò thì thời nào cũng có.

Không chỉ được Cảnh sát đường thủy tuyên truyền các biện pháp đảm bảo ATGT, nay bến đò của bác còn được nhận hàng chục chiếc áo phao để cho khách đi đò mặc khi qua sông. “Chắng biết nói gì hơn là lời cảm ơn trước sự quan tâm của lực lượng Cảnh sát đường thủy CATP Hà Nội. Có các anh, chúng tôi và hành khách thấy yên tâm, an toàn khi đi đò, qua sông” - bác Linh nói.

Những địa chỉ bình yên

Trong một ngày, đoàn công tác của Phòng Cảnh sát đường thủy di chuyển cả trăm km ở hai điểm thượng nguồn và cuối sông Hồng để cấp phát áo phao. Sau khi trao hàng trăm chiếc áo phao cho các chủ bến đò của các huyện đầu nguồn sông Hồng, Thượng tá Nguyễn Văn Cương về huyện Thường Tín, nơi có vài trăm chiếc áo phao khác đang chờ cấp cho người dân.

Tại bến đò Chương Dương, huyện Thường tín, những chiếc áo phao cũng được Cảnh sát đường thủy xếp gọn gẽ vào vị trí tập kết, ánh lên màu đỏ, vàng như nắng mật. Bến đò Chương Dương là một trong những bến lớn, được phép chở cả ô tô qua sông. Từ huyện Thường Tín sang tỉnh Hưng Yên thay vì phải đi vòng qua các cây cầu mất tời hàng chục km thì chỉ sau vài phút, người dân ở hai bên bờ đối diện có thể đặt chân lên mảnh đất của nhau, tiết kiệm chi phí, công sức.

Không chỉ có áo phao, nhiều dụng cụ nổi cũng được cấp cho các bến đò, để hành khách sử dụng

Cũng tại bến đò này, chỉ huy Phòng Cảnh sát đường thủy cùng với CBCS đã trực tiếp xuống tận đò, gặp và tuyên truyền về tác dụng của áo phao đối với sự an toàn cho hành khách. Chị Trần Thị Hà, nhà ở tỉnh Hưng Yên cho biết, ngày nào cũng đi qua bến đò để “chạy chợ”. Khi được phát chiếc áo phao mới, chị Hà mặc ngay vào người. “Trời mùa đông mặc áo phao vào vừa ấm, lại vừa an toàn. Thiết kế của áo phao rất dễ mặc, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông nên chúng tôi rất yên tâm” - chị Hà nói.

Trao đổi với PV, chỉ huy Phòng Cảnh sát đường thủy khẳng định: Chẳng riêng gì các hành khách, ngay cả những chủ đò cũng ý thức được hơn hết trách nhiệm của mình trong công tác phối hợp, tuyên truyền đảm bảo an toàn cho hành khách qua sông. Trong nhiều năm qua, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền cũng như cấp phát áo phao, thiết bị nổi cho các chủ bến đò.

Với việc đẩy mạnh tuyên truyền của Cảnh sát đường thủy, hành khách đi đò đã ý thức hơn trong việc tự bảo vệ tính mạng, sự an toàn của mình khi đi đò

Hơn 1.000 chiếc áo phao được cấp phát cho các chủ bến lần này thể hiện quyết tâm của đơn vị trong công tác phòng chống đuối nước, nhất là tại các bến đò ngang.

“Nguy cơ đuối nước, tai nạn đường thủy có thể xảy ra ở bất kể thời điểm nào. Hậu quả để lại còn khủng khiếp hơn rất nhiều so với đường bộ. Chúng tôi mong rằng, những chiếc áo phao này sẽ giúp người dân an toàn hơn và đặc biệt là ý thức của mỗi hành khách, chủ đò chính là chiếc ao phao cứu sinh quan trọng nhất...” - Thượng tá Nguyễn Văn Cương cho biết.