CPI giảm mạnh: Chớ vội mừng!

ANTĐ - Hôm qua, 20-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận sôi nổi về Báo cáo triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2012. Những con số thống kê mới nhất cho thấy, tình hình kinh tế vi mô dường như ổn định nhưng cũng xuất hiện nhiều ẩn số đáng lo ngại.

Một số mặt hàng trong nhóm lương thực, thực phẩm giảm mạnh

GDP tăng chậm, CPI giảm mạnh

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, trong số 22 chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch 2011, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Một số chỉ tiêu đạt kết quả cao hơn so với số ước tính như tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu; tỷ lệ nhập siêu; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý… Về tình hình quý I-2012, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tốc độ tăng GDP quý I-2012 ước đạt 4%. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm dần và có tốc độ tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước. CPI tháng 3-2012 tăng khoảng 2,55%, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ. Nhắc đi nhắc lại việc chỉ số CPI giảm xuống mức dưới 0,1% trong tháng 4-2012, Bộ trưởng Bộ   KH-ĐT cho rằng, đây là thông tin đặc biệt đáng lưu ý. 

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho biết, năm 2011, tình trạng doanh nghiệp hoạt động khó khăn, phải giải thể hoặc ngừng hoạt động tăng mạnh so với các năm trước đây với con số 53.792 doanh nghiệp, tăng 24,7% so với năm 2010. Ông không dấu sự lo lắng: “CPI đột ngột giảm mạnh là có vấn đề. CPI tụt xuống dưới 0,1% là rất đáng ngại. Đã vậy, GDP lại tăng chậm hơn nhiều so với năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp cũng chậm lại, tồn kho tăng cao. Nhiều con số mới nghe thì mừng nhưng ngẫm kỹ lại thấy lo. Đơn cử việc xuất siêu, một mặt do xuất khẩu tốt lên nhưng nhập khẩu thực tế cũng giảm mạnh vì không có nhập nguyên liệu, thiết bị máy móc cho sản xuất. Từ những con số này, có báo cáo đánh giá bắt đầu có biểu hiện suy thoái và thực tế doanh nghiệp đang rất khó khăn, sản xuất có đình đốn”. 

Dấu hiệu bắt đầu suy giảm?

Ủy ban Kinh tế cũng tỏ ra quan tâm đặc biệt tới việc CPI 3 tháng đầu năm tăng chậm lại và mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế cũng nhìn nhận, khó khăn, thách thức của những tháng còn lại cũng rất lớn khi GDP quý I chỉ ở mức 4%, thấp hơn nhiều so với dự kiến của Chính phủ là 5-6%. Từ đó, Chính phủ sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% của cả năm 2012. Dẫu vậy, Ủy ban Kinh tế lại đề nghị tiếp tục kiên định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra cho năm 2012. “Nhưng Chính phủ cần điều hành linh hoạt, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển sản xuất kinh doanh” - ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu ý kiến. Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, phải bám sát tình hình, điều hành chính sách linh hoạt để đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Bởi nếu thay đổi mục tiêu, Chính phủ sẽ phải thay đổi cả các giải pháp đi theo.

Tỏ ra cẩn trọng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu thực tế 3 năm trước: “Năm 2009, 7 tháng liên tục tăng trưởng đạt âm, mãi cuối năm mới khá lên. Thế nên, 3 tháng đầu năm nay, chúng ta tăng trưởng 4% mà đánh giá suy giảm thì chưa nên”. Trước băn khoăn của UBTVQH,  Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, cần có thêm thời gian để đưa ra đánh giá tình hình chính xác hơn. Ông nói: “Trung tuần tháng 5-2012, Chính phủ sẽ có báo cáo gửi UBTVQH phản ánh đúng tình hình doanh nghiệp hiện nay. Theo đó, sẽ làm rõ khó khăn ở đâu, khu vực nào để tìm cách tháo gỡ...”.

Dẫn chứng hàng loạt khó khăn của kinh tế vào thời điểm cuối năm 2011, bước vào 2012, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ quan điểm “ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội...”. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% năm 2012 do Quốc hội đề ra là đã cân nhắc rất kỹ. Ông phân tích: “Đó là lựa chọn chiến lược và hợp lý. Nếu tăng trưởng thấp hơn thì không thể bảo đảm an sinh xã hội, doanh nghiệp không đứng được. Vấn đề là điều hành như thế nào để lạm phát khoảng 9%, tăng trưởng xấp xỉ 6%. Phải tính toán nghiêm túc đến cuối năm tăng trưởng thế nào và mục tiêu là phải giữ được tăng trưởng. Không có tăng trưởng thì chẳng làm được gì cả...”. Chủ tịch Quốc hội cảnh báo: “Chúng ta dứt khoát không được chủ quan khi lạm phát dưới 0,1%. Nếu còn xuống nữa sẽ rất nguy hiểm vì như thế chẳng ai làm ăn gì. Điều hành giá cả là bài toán thị trường, nếu cứ “nén” mãi tới khi không giữ được, bùng phát ra thì hậu quả còn ghê gớm hơn...”.

Giá lương thực, thực phẩm giảm mạnh

Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Hà Nội đã giảm 0,03% so với tháng trước và tăng 9,52% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính kéo CPI của Hà Nội giảm so với tháng trước là do một số mặt hàng trong nhóm lương thực, thực phẩm giảm mạnh. 

Cụ thể, giá lương thực giảm 1,98% so với tháng trước, giá thực phẩm cũng giảm 0,79%. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; bưu chính viễn thông đều có mức giảm từ 0,04% đến 0,65% so với tháng trước. Riêng mặt hàng thịt lợn, do thông tin thịt lợn bị nhiễm độc đã khiến người dân thận trọng làm thịt lợn giảm giá hơn các mặt hàng thực phẩm khác. Từ ngày 7-3, giá xăng dầu đồng loạt tăng khiến nhóm hàng giao thông có chỉ số giá tăng mạnh. Tuy nhiên, việc này không làm tăng mạnh đến chỉ số giá chung.