Cong vẹo cột sống tuổi học đường: Hại từ trong ra ngoài

ANTĐ - Cong vẹo cột sống ngày càng được coi là một bệnh phổ biến trong độ tuổi học đường. Tuy không nguy hiểm nhưng nó gây rất nhiều phiền phức và ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Phim X-quang của một bệnh nhân bị vẹo cột sống 70 độ


Đa phần không rõ nguyên nhân

Tại khoa Phẫu thuật cột sống - BV Việt Đức những năm gần đây, số bệnh nhân đến khám, điều trị cong vẹo cột sống ngày càng tăng và hầu như tuần nào cũng có bệnh nhân phẫu thuật. Thậm chí từ đầu năm đến nay, BV đã phẫu thuật cho khoảng 10 ca bị vẹo cột sống đã sang Singapore phẫu thuật với chi phí lên đến 30.000-40.000USD nhưng khi về nước gặp biến chứng nặng và phải mổ lại. Có mặt tại BV, chúng tôi gặp 2 bệnh nhân vừa được phẫu thuật chữa vẹo cột sống xong và đang điều trị hậu phẫu. Trong đó có một bệnh nhân nữ 20 tuổi, ở Sóc Sơn (Hà Nội), hiện đang là sinh viên, có độ vẹo cột sống trước khi mổ lên đến 70% khiến cơ thể bị “lùn” mất 7, 8 cm.

Bác sĩ Đinh Ngọc Sơn, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống - BV Việt Đức cho biết, nếu tính ở thể nhẹ (độ vẹo giữa các đốt sống là 10%) thì ước tính có khoảng 2-3% dân số bị vẹo cột sống. Bệnh thường xuất hiện từ bé và đến độ tuổi học đường, nhất là 14-17 tuổi thì nhận biết rõ hơn do đây là thời kỳ mà hệ xương khớp phát triển mạnh. Vào mỗi dịp hè, khoa thường tiếp nhận đến gần trăm bệnh nhi được đưa tới khám cong vẹo cột sống, nữ mắc nhiều hơn nam, trong đó đa phần đã ở mức độ nặng. Theo bác sĩ Sơn, bình thường khi cột sống bị vẹo ở thể nhẹ thì rất khó nhận biết. Đến khi bệnh tiến triển sẽ thấy 2 vai lệch nhau, lúc cúi thấp người thì 2 bả vai lệch nhau rất rõ, nhìn dọc sống lưng thấy cong… Cũng theo bác sĩ Sơn, đa phần bệnh nhân vẹo cột sống không xác định được rõ nguyên nhân.

Trong khi đó, một kết quả điều tra y tế ở nước ta cho thấy, tỷ lệ học sinh bị vẹo cột sống ở nội thành tăng dần theo cấp học, số trẻ bị vẹo cột sống ở ngoại thành và hải đảo bao giờ cũng cao hơn khu vực nội thành trên tất cả các tiêu chí so sánh. Các chuyên gia lý giải rằng, bệnh vẹo cột sống phát sinh thường do trẻ bị mang vác nặng lệch về một phía, trẻ phải lao động quá sức sớm, trẻ ngồi học hay sinh hoạt không đúng tư thế, bàn, ghế và ánh sáng không đảm bảo đúng tiêu chuẩn cho trẻ khi học bài tại trường cũng như tại gia đình…

Có thể phòng bệnh

Bác sĩ Sơn cho biết, khi trẻ bị vẹo cột sống, lúc đầu cơ thể thường tự bù trừ (giúp giữ thăng bằng, không có dấu hiệu, khác biệt) và vì thế mọi người thường ít để ý, không phát hiện ra. Nếu trẻ có dấu hiệu như vậy không chú ý điều trị hoặc phòng bệnh thì bệnh sẽ ngày càng tiến triển, độ vẹo sẽ ngày càng rõ rệt và khi trưởng thành người bệnh sẽ bị thấp đi trung bình khoảng 5-6cm. Nếu vẹo cột sống nặng hơn hoặc để lâu dài, lồng ngực sẽ bị biến dạng, gây xẹp phổi khiến bệnh nhân khó thở, ảnh hưởng đến hệ tim mạch và có thể gây đau đớn do chèn ép dây thần kinh. Mặt khác, vẹo cột sống ảnh hưởng rõ nhất đến thẩm mỹ, bề ngoài của người bệnh, khiến họ mất tự tin và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Tùy theo mức độ cong vẹo nặng hay nhẹ mà có các biện pháp điều trị khác nhau. Nếu góc vẹo nhỏ, dưới 40 độ, bệnh nhân có thể chỉ cần theo dõi định kỳ, tập vật lý trị liệu hoặc được điều trị bằng áo chỉnh hình cột sống. Nhưng khi góc vẹo lớn hơn 40 độ thì bệnh nhân cần được phẫu thuật. Thông thường độ tuổi phẫu thuật đạt hiệu quả cao nhất là 14-17 tuổi. Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần quan tâm và phát hiện ngay những dấu hiệu bất thường để đưa con đi khám, điều trị kịp thời.

Mặt khác, để phòng ngừa cong vẹo cột sống cũng cần phòng chống suy dinh dưỡng, còi xương ở trẻ nhỏ. Chế độ ăn cần có đủ protein, chất khoáng và vitamin. Bàn ghế ngồi học phải phù hợp với lứa tuổi và tư thế ngồi học phải đúng. Thường xuyên luyện thể dục thể thao cho các bắp thịt, các tổ chức liên kết, dây chằng các khớp khỏe, làm tăng sự dẻo dai bền bỉ và phát triển cân đối.