Công tác phòng cháy, chữa cháy đã chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 21-8, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội - Phạm Thị Thanh Mai đã chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề "Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn TP Hà Nội".
Bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Cùng dự hội nghị có Đại biểu Quốc hội, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội; đồng chí Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội...

Quyết liệt phòng ngừa cháy, nổ

Tại hội nghị, Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội đã báo cáo kết quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố.

Thời gian qua, CATP đã luôn bám sát các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ... chủ động tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND TP ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH); Đồng thời, chỉ đạo Công an cấp huyện thực hiện tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp ban hành các văn bản để triển khai thực hiện trên địa bàn quản lý.

CATP luôn phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ quan, đoàn thể quần chúng nhằm triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác PCCC và CNCH trên địa bàn thành phố.

Hiện nay, CATP đã ký kết 17 Quy chế với các sở, ban, ngành và 8 tỉnh giáp ranh liên quan tới công tác PCCC và CNCH. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy và CNCH, CATP đã phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tiến hành khảo sát, điều tra cơ bản các phương tiện ngoài lực lượng (xe chở nước, xe nâng, máy xúc, máy ủi, xe cứu thương, dụng cụ CNCH… để sẵn sàng huy động khi có yêu cầu.

Đặc biệt, CATP thường xuyên rà soát các quy định của pháp luật trong công tác PCCC và CNCH để kịp thời tham mưu, báo cáo UBND Thành phố ban hành, kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về công tác PCCC và CNCH phù hợp với tình hình thực tế của địa bàn thành phố Hà Nội. Qua đó đưa ra các giải pháp, biện pháp thay thế vừa đảm bảo an toàn PCCC vừa đảm bảo phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao.

Bên cạnh đó, CATP thường xuyên nghiên cứu các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện các quy định pháp luật về PCCC để chủ động tham mưu UBND Thành phố có văn bản gửi Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng đề xuất, kiến nghị các biện pháp, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập, như: phương hướng, giải pháp khắc phục các vi phạm quy định về PCCC đối với các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động; các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập đối với các cơ sở kinh doanh karaoke đã đưa vào hoạt động trước khi QCVN 06:2022 có hiệu lực… trong những năm gần đây, CATP còn là thành viên của các ban, tổ giúp việc của Bộ Công an trong việc nghiên cứu sửa đổi, ban hành mới các Nghị định, Thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC và CNCH.

Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc CATP báo cáo tại hội nghị

Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc CATP báo cáo tại hội nghị

Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật và xây dựng phong trào toàn dân PCCC, Công an thành phố xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, nên trong những năm qua không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kiến thức pháp luật một cách toàn diện, cả về bề rộng và chiều sâu. Thường xuyên đổi mới, sáng tạo nội dung, phương thức tuyên truyền, đảm bảo có thể tiếp cận sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Qua đó, nhận thức của các cấp, ngành, địa phương cũng như người dân trong công tác PCCC và CNCH đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét.

Sau khi tuyên truyền, vận động đã có 102.034 hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh và 1.496.239 hộ nhà ở hộ gia đình mở “lối thoát nạn thứ 2”; có 620.938 hộ gia đình đã tự trang bị bình chữa cháy xách tay với tổng số gần 1 triệu bình chữa cháy; 784.161 hộ gia đình đã tự trang bị dụng cụ phá dỡ thô sơ với tổng số 733.047 dụng cụ phá dỡ các loại... Đồng thời, đã thành lập, duy trì hoạt động 7.313 Tổ liên gia an toàn PCCC; xây dựng, lắp đặt 19.685 điểm chữa cháy công cộng.

Từ tháng 5 đến tháng 8-2023, đã có 35 vụ cháy được người dân sử dụng phương tiện tại điểm chữa cháy công cộng xử lý, 11 vụ việc do các Tổ liên gia dập tắt đám cháy.

Từ những kết quả nêu trên khẳng định Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 53 của UBND TP về vấn đề này đã và đang từng bước đi vào cuộc sống của người dân, mang lại những kết quả tích cực, nổi bật.

Ý kiến cử tri là những thông tin hữu ích

Tại hội nghị, Đại tá Dương Đức Hải cũng nêu một số kiến nghị, đề xuất, trong đó kiến nghị Quốc hội chỉ đạo các đơn vị rà soát, kịp thời chỉnh sửa, hoàn thiện các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH phù hợp với thực tiễn. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 99 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến PCCC và CNCH, đặc biệt là quy định đối với một số loại hình cơ sở đặc thù. Bổ sung quy định chế độ, chính sách hỗ trợ cho lực lượng làm công tác PCCC và CNCH tương xứng với tính chất, yêu cầu nhiệm vụ; có chính sách cụ thể để khuyến khích, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động PCCC...

Tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức nêu rõ khó khăn, vướng mắc đồng thời kiến nghị, đề xuất tháo giữ về công tác PCCC ở cơ sở. Theo đó, một bộ phận lãnh đạo doanh nghiệp, người dân chưa quan tâm đến công tác PCCC, còn hiểu sai, chưa đúng về PCCC, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC còn hạn chế.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Trên địa bàn huyện Hoài Đức còn tồn tại các cơ sở chưa được thiết kế, thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC, một phần do được xây dựng từ thời Hà Tây (cũ), một phần do chi phí đầu tư cho công tác này khá lớn, vượt ngoài khả năng của chủ đầu tư nên gây khó khăn cho quá trình quản lý. Đối với các cơ sở này, nếu đình chỉ hoạt động thì sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế địa phương, cũng như đời sống của hàng nghìn công nhân. Nhiều công trình xây dựng không phép, trái phép như đất nông nghiệp, đất dự án, đất chuyển đổi mục đích sử dụng, công trình thuộc Nghị quyết 05/2022/NQ-HĐND. Do vậy rất khó để thực hiện công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo đúng quy định.

Về tồn tại trong công tác PCCC ở chợ, ông Nguyễn Sỹ Thắng, Phó Ban Quản lý chợ Nam Từ Liêm cho biết, hiện nay hầu hết các chợ dân sinh không đảm bảo an toàn PCCC và đã có quyết định đình chỉ. Để đảm bảo an toàn PCCC tại các chợ dân sinh, đề nghị TP Hà Nội quan tâm đầu tư ngân sách để trang bị cơ sở vật chất cho PCCC.

Theo Phó giám đốc Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình - Nguyễn Bá Suốt, thời gian qua, công ty do ông phụ trách thực hiện chính sách pháp luật về PCCC nghiêm túc, chấp hành nghiêm quy định. Tuy nhiên, thực tế vướng mắc là những kho, cửa hàng xăng dầu tồn tại từ lâu, có thiết kế được thẩm định, phê duyệt đảm bảo an toàn, nhưng thời điểm ấy chưa có nhà, công trình ở gần; qua quá trình hoạt động thì có các công trình áp sát kho, khi các lực lượng chức năng kiểm tra thì công ty lại thành vi phạm. Từ thực trạng trên, đại diện công ty kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội có kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội để đưa ra quy định hợp lý.

Sau khi nghe cử tri nêu các ý kiến, kiến nghị và phần trả lời làm rõ một số nội dung của đại diện một số sở, ngành, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Phạm Thị Thanh Mai ghi nhận các ý kiến trách nhiệm cao của cử tri, qua đó đã chuyển tải được những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn, đây là những thông tin rất hữu ích từ cơ sở. Các ý kiến phát biểu đã tập trung vào 8 nhóm vấn đề vướng mắc từ thể chế, quy định, khoảng trống pháp lý khi có những loại hình kinh doanh mới, tiến trình phát triển sử dụng năng lượng xanh chưa được thể chế hóa; quy chuẩn, tiêu chuẩn để tổ chức thực hiện tốt, vừa là cơ sở để kiểm tra, giám sát.

Kết luận hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố - Phạm Thị Thanh Mai phát biểu: “Các ý kiến đã nêu bật được những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn, đây là dịp để các đại biểu quốc hội lắng nghe ý kiến từ cơ sở... Một số ý kiến cử tri nêu về bất cập trong tổ chức thực hiện hướng dẫn của từng bộ, ngành riêng còn những bất cập; phân cấp, giao quyền trong lĩnh vực này; quy định về hệ thống kinh doanh xăng dầu, khí hoá lỏng, điện, chợ.

Hiện nay, địa bàn Thủ đô khối lượng công việc trong công tác phòng cháy, chữa cháy là rất lớn, lãnh đạo các sở, ngành thành phố rất cố gắng để đảm bảo điều kiện cho công tác phòng cháy, chữa cháy, từ chế độ chính sách đến đầu tư hạ tầng, tuy nhiên cũng cần sự vào cuộc của các cấp, ngành và nhân dân. Với trách nhiệm của Đoàn ĐBQH thành phố, các ý kiến cử tri sẽ được tổng hợp đầy đủ để chuyển tải tới các cơ quan chức năng, chuyên môn, đồng thời tăng cường giám sát để đánh giá thực tiễn, tổng hợp, cập nhật, hoàn thiện pháp luật".