Cộng đồng kinh tế ASEAN và tác động tới phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội

ANTĐ - Sáng nay 22-9, tại UBND TP Hà Nội, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế- xã hội Hà Nội phối hợp với Báo kinh tế đô thị tổ chức Hội thảo “Cộng đồng kinh tế ASEAN và tác động tới phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội”. 

Hội thảo có sự tham dự và chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; tham dự hội thảo còn có các đồng chí đại diện văn phòng Thành ủy, UBND TP; Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội- TS Nguyễn Đình Dương…

Hội thảo nhằm đánh giá những tác động tích cực cũng như hạn chế của việc gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN đối với kinh tế, văn hóa, xã hội của TP Hà Nội, từ đó đưa ra những khuyến nghị, giải pháp cho thành phố, các sở, ngành, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong việc ban hành chính sách, nắm bắt cơ hội, hợp tác đầu tư…  

Trong áo cáo đề dẫn hội thảo, TS. Nguyễn Đình Dương – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội Hà Nội cho biết, là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN (ASEAN Community – AC), Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community - AEC) giữ vai trò quan trọng và cũng là tham vọng chính trị lớn của Hiệp hội ASEAN nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài... cũng như đối phó với sự gia tăng của quá trình toàn cầu hóa.

Việc hình thành AEC vào cuối năm 2015 này được dự báo sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng GPD của Việt Nam thêm 14,5% và tăng trưởng việc làm thêm 10,5%... Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội khi tham gia AEC cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các nước ASEAN, nhất là với những nước đi sau có trình độ phát triển kinh tế thấp hơn như: Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.  

Tại hội thảo, PGS.TS Hoa Hữu Lân – Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội chia sẻ, khi ACE hình thành tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Hà Nội. AEC sẽ mở rộng trao đổi hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hà Nội đẩy mạnh xuất khẩu. Việc xóa bỏ thuế nhập khẩu với mức 89% hiện nay về mức 0%, là cơ hội cho doanh nghiệp Hà Nội có điều kiện giảm chi phí nhập khẩu, tăng giá trị xuất khẩu không chỉ trong thị trường ASEAN mà còn mở rộng thị trường xuất khẩu thông quá các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Ấn Độ theo công thức (FTA ASEAN+1+3+5...)

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội

Về phía doanh nghiệp, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, trong những năm qua, thành phố đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu thương mại, mang sản phẩm đến thị trường nước ngoài. 

"Tôi mong thành phố tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin. Khi gia nhập vào cộng đồng kinh tế ASEAN chúng tôi rất lo lắng nhưng ngoài những thách thức chúng tôi cũng đánh giá cao những cơ hội nó mang lại. Chúng tôi có thể mua máy móc thiết bị của Malaysia, Thái Lan với chất lượng tốt hơn. Chất lượng lao động của Việt Nam cũng có cơ hội cọ sát để có thể phát triển mạnh như Malaysia, Indonesia".

Phát biểu kết luận tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nói: "Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi rất hoan nghênh và thể hiện sự trân trọng những ý kiến đóng góp của quý vị đại biểu đến tham dự hội thảo, đặc biệt là những kiến nghị, đề xuất, giải pháp nêu ra trong cuộc hội thảo khoa học này là hết sức quý báu. Sau cuộc hội thảo này thành phố sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp, kiến nghị của quý vị. chỉ đạo các sở, ban ngành có liên quan trong việc xây dựng kế hoạch, cơ chế, chính sách, biện pháp thiết thực hiệu quả, góp phần cùng cả nước tham gia tích cực Cộng đồng kinh tế ASEAN".