Công bố kết quả kiểm tra lương tại EVN: Chênh lệch rất lớn giữa các khối

ANTĐ - Chiều qua, 10-2, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra thực hiện pháp luật lao động về tiền lương, thu nhập tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Trước đó, đoàn kiểm tra của Bộ đã thực hiện kiểm tra tại Công ty mẹ (Tập đoàn) và 25 đơn vị trực thuộc 3 khối của EVN.

Ông Nguyễn Tiến Tùng, Phó Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, trưởng đoàn kiểm tra tại tập đoàn EVN cho biết, kết quả kiểm tra cho thấy, tiền lương bình quân chung của người lao động sản xuất, kinh doanh điện toàn Tập đoàn năm 2008 đạt 5,79 triệu đồng/người/tháng, năm 2009 đạt 7,06 triệu đồng/người/tháng, năm 2010 là năm đầu tiên EVN thua lỗ nhưng lương trung bình của Tập đoàn vẫn tăng 5,46% so với năm 2009, lên 7,45 triệu đồng/người/tháng. Mức lương này sau khi đã cộng thêm tiền lương ngoài đơn giá, tiền thưởng từ quỹ khen thưởng, phúc lợi thì lương bình quân của cán bộ, công nhân viên trong toàn EVN năm 2010 là 7,62 triệu đồng/ người/ tháng, năm 2009 đạt 7,3 triệu đồng/người/tháng, và năm 2008 đạt 5,9 triệu đồng/người/tháng.

Cũng qua kiểm tra, lương bình quân giữa các khối trong tập đoàn EVN có sự chênh lệch rất lớn, chẳng hạn như khối cơ quan Tập đoàn cao gấp 2 lần so với mặt bằng thu nhập bình quân. Cụ thể, thu nhập bình quân của nhân viên ở Công ty mẹ (Tập đoàn) là 14,105 triệu đồng/người/tháng, thu nhập bình quân khối truyền tải điện là 11,403 triệu đồng/người/tháng, khối phát điện là 10,387 triệu đồng/người/tháng, khối phân phối điện là 6,75 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, việc áp dụng chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm ở một số đơn vị, nhất là ở các nhà máy điện không đồng nhất. Có người đã được xếp lương nhóm 3 của thang lương theo đúng chứng danh nghề nhưng vẫn được áp dụng phụ cấp độc hại (nghĩa là 2 lần hưởng phụ cấp), ngược lại có những người làm việc trong điều kiện lao động độc hại, nguy hiểm nhưng lại không được áp dụng phụ cấp này.

Lý giải về việc năm 2010, EVN thua lỗ đến 8.416 tỷ đồng nhưng lương của cán bộ nhân viên vẫn tăng cao, theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN, năm 2010 là năm đầu tiên EVN hạch toán thua lỗ nhưng nguyên nhân do yếu tố khách quan là thời tiết. Cụ thể, năm 2010 thời tiết nắng nóng, hạn hán, nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong khi Thủ tướng chỉ đạo ngành điện không được cắt điện, phải cung cấp đủ điện sử dụng, đồng thời không được tăng giá. EVN đã buộc phải dùng máy phát chạy dầu để tăng phát điện, mỗi kw/h phát bằng dầu lỗ 2.000đồng… Do đó, thua lỗ hoàn toàn do khách quan. Nếu như Tập đoàn làm ăn thua lỗ mà cắt giảm lương thì chắc chắn lao động sẽ bỏ đi. Tập đoàn đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng đơn giá tiền lương bằng 95% đơn giá năm 2009.

 Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các Bộ, ngành khác tiếp tục kiểm tra, giám sát và nghiên cứu cơ chế tiền lương ở các doanh nghiệp khác. Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhấn mạnh: “Trách nhiệm của Bộ cần  tăng cường kiểm tra giám sát nhiều hơn nữa, nếu báo chí có thông tin cung cấp về sai phạm trong quy chế trả lương ở một doanh nghiệp nào giống như ở EVN, chúng tôi sẵn sàng tới kiểm tra, để giám sát làm cho đúng”.