Con trai vung dao đâm chết người tình của cha

ANTĐ - Gặp cô Lan ở trên đường, tôi dừng xe và bắt đầu hai bên nảy sinh cự cãi lớn tiếng. Và trong phút giây ấy, phần "con" trong tôi trỗi dậy, tôi đã dùng dao đâm cô ấy trong ánh mắt tột cùng kinh sợ và bàng hoàng của cha khi vừa kịp chạy tới nơi

LTS: Những cảm xúc yên ấm ngọt ngào của gia đình đột ngột bị phá vỡ. Tiếng la mắng, quát nạt nhau của bố mẹ dần thay cho những cử chỉ ân cần, những lời hỏi han, săn sóc. Nước mắt ngậm ngùi nặng trĩu vương trên má mẹ, sự trầm mặc cằn cỗi của bố, tiếng thở dài của anh trai và em gái... tất cả khiến Nguyễn Văn Dương ngạt thở và nổi con giận dữ. Dương đã cầm dao đi tìm căn nguyên gây nên sự rạn vỡ trong gia đình và ra tay hành xử với "kẻ tội đồ" thứ ba đã hủy diệt tổ ấm đó. Tình nhân của bố bị hủy diệt sự sống, và sự giận dữ của Dương đã hủy diệt tuổi thanh xuân của cậu. Trả giá cho hành vi giết người với mức án 18 năm ở trại giam Ninh Khánh, Nguyễn Văn Dương đã có những phút trải lòng đầy phiền muộn...

Nỗi đau của người con có cha phản bội

Hóa ra, phần kí ức neo đậu sâu đậm nhất trong tâm hồn lại là những năm tháng tôi bị bệnh nặng. Ngày ấy, cậu bé lên 7 tuổi phải bỏ học giữa chừng để chữa trị căn bệnh thận. Suốt 3 năm trời, tôi sống ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Hết bệnh viện huyện, lại tới bệnh viện tỉnh, bệnh viện Trung ương, cha mẹ tôi miệt mài ôm tôi đi gõ cửa thầy thuốc. Đối với cha mẹ, trong ý niệm của họ, tôi là một đứa trẻ thiệt thòi. Trong cơ thể tôi, thuốc kháng sinh thậm chí nhiều hơn nhựa sống, bởi vậy, họ yêu thương tôi có phần đặc biệt hơn anh trai và em gái tôi.

Nỗi nhớ của tôi về những năm tháng đó dai dẳng tới kì lạ. Những đêm dài, cha mẹ tôi thay nhau thức trông tôi ở viện, rồi địu tôi trên vai vì phải chuyển viện trong những buổi sớm mùa đông lạnh cắt da cắt thịt. Cho tới giờ, hình ảnh nửa đêm tỉnh giấc, mờ ảo gương mặt thất thần, hốt hoảng và tuyệt đối khắc khổ của họ mãi ám ảnh tôi. Ngày ấy, cũng vì tôi bệnh tật mà gia sản bố mẹ làm lụng đều tiêu tán cả...

Cha mẹ đã giành tôi lại từ tay tử thần bằng tình yêu thương bền bỉ, nỗ lực của họ. Và đối với tôi, sẽ chẳng bao giờ có bất cứ thứ gì có thể bước chân và làm xáo trộn cuộc sống cũng như tình cảm gia đình tôi. Suy nghĩ ấy khiến tôi vững tin và ấm áp trong mỗi bước chân trên hành tình cuộc sống. Thế nên, sau này trưởng thành, vào khoảng thời gian đi nghĩa vụ quân sự, tôi nghe phong thanh chuyện cha tôi có một người đàn bà khác, cảm xúc đầu tiên ập tới là ngỡ ngàng và không tin vào tai mình. Đợt ấy, tôi xin nghỉ phép và về thu xếp chuyện gia đình, thực chất là muốn tìm hiểu kỹ hơn những điều khủng khiếp thiên hạ đang đồn thổi. Tôi hỏi mẹ và sự lặng im cùng những giọt nước mắt của mẹ đã thú nhận tất cả. Chuyện cha ngoại tình là có thật. Và điều tệ hại hơn, người phụ nữ chẳng phải đâu xa mà cách nhà tôi có vài bước chân.

Tôi đã nói chuyện cùng cha như hai người đàn ông trưởng thành và có trách nhiệm, xưa nay ông vẫn vậy, chỉ lặng im và trơ khấc như pho tượng nghìn năm tuổi. Tôi gợi nhớ lại những kĩ niệm, những năm tháng mẹ cùng cha chung lưng đấu cật cày cuốc nửa đêm gà gáy để nuôi 3 anh em chúng tôi khôn lớn trưởng thành. Tôi có nói với cha rằng, cha là một người đàn ông may mắn bởi cả đời này có một người phụ nữ nhẫn nhịn và chu toàn ở bên cạnh. Đó chính là mẹ của chúng tôi. Tôi thông cảm cho cha về những cảm xúc lạ lùng có thể gõ cửa bất cứ lúc nào, nhưng điều ấy không đủ mạnh mẽ để cha quay lưng lại với mẹ, với gia đình.

Tôi khuyên cha nên chấm dứt chuyện tình cảm này, tránh điều tiếng đổ lên vai cha và mẹ. Sống ở ngôi làng nhỏ như gánh quà sáng của mẹ, mọi thứ lệch chuẩn đều khiến thiên hạ dị nghị, đồn thổi. Sẽ chẳng có bất cứ ai hạnh phúc nếu như câu chuyện đẩy tới xa hơn. Những gì gan ruột nhất, tôi đều tâm sự với cha. Vẫn như mọi lần, cha tôi im lặng và tôi coi đó là một thanh âm trong trẻo về sự hồi tâm, chuyển ý.

Tôi quay trở lại đơn vị, tiếp tục thực hiện phần nghĩa vụ quân sự của mình. Tới khi về nhà, mọi chuyện không những không chấm dứt như tôi kỳ vọng mà còn đi theo chiều hướng tồi tệ hơn. Cô Lan - tình nhân của cha tôi đã có thai và kiên quyết sinh ra đứa bé ấy. Mẹ tôi đã khóc rất nhiều. Nỗi bất lực tê tái và sự phản bội tưởng như nhấn chìm mẹ. Bà bỏ vào miền Nam để lẩn trốn thực tại và lời ong tiếng ve của xóm giềng. Tôi vào Nam tìm mẹ và dùng hết lời lẽ khuyên mẹ trở về nhà. Mẹ đã trở về, nhưng không trở về nhà. Ruộng cằn hoang vì thiếu bàn tay làm lụng của mẹ, rau trong vườn cũng úa vàng, xơ xác vì thiếu bầu nước của mẹ mỗi chiều... mẹ nương lại mảnh đất Thủ đô, làm đủ các nghề tự do, miễn sao không phải trở về đối diện với người chồng phản bội.

Tôi giống mẹ, chọn Hà Nôi làm mảnh đất kiếm cơm và nương náu cho những cảm xúc chênh vênh về cuộc sống không trọn vẹn. Chúng tôi ít khi trở về nhà. Đã có lần mẹ nói với tôi về chuyện ly hôn cha. Nhưng tôi biết, điều ấy quá khó khăn và nghiệt ngã với mẹ. Bởi mẹ quá yêu cha tôi. Vốn liếng cả đời bà là gia đình, là chồng và 3 đứa con. Bà đâu thể để mất bất cứ thứ gì trong số thứ tài sản ít ỏi đó. Một dạo mẹ về nhà, nhưng cha và mẹ liên tục cãi vã. Lúc ấy, cô Lan đã sinh con. Là một bé trai kháu khỉnh. Tôi vẫn bảo với mẹ, rằng đứa trẻ chẳng có bất cứ tội lỗi gì, chúng ta không nên hắt hủi hay quay lưng lại với nó. Tôi tiếp tục khuyên cha hãy hạn chế qua lại với cô Lan. Và đáp trả lại sự thống thiết, van xin của tôi, vẫn là sự im lặng tới nổi da gà của cha.

Mẹ trở lại quê, bởi xét cho tới cùng, mẹ cũng là một người đàn bà bất hạnh. Mẹ giận cha, nhưng tình yêu của bà dành cho cha lớn hơn tất cả những sai lầm, quay lưng, phản bội của ông. Mẹ nhẫn nhịn chịu đựng. Ẩn sâu bên trong hình hài người phụ nữ nhỏ bé, cam chịu tới bàng quan ấy là một tâm hồn chưa bao giờ ngừng nổi sóng. Có những giọt nước đã tràn ly bởi sức chịu đựng của con người là có giới hạn. Mẹ không thể ngọt nhạt với cha mỗi khi thấy ông qua lại nhà cô hàng xóm thăm đứa trẻ. Mẹ cũng là đàn bà. Mẹ ghen.

Ảnh minh họa

Phần "con" đã trỗi dậy trong tôi

Tôi đã từng rất sợ bước chân vào ngôi nhà từng là tổ ấm của mình. Không còn tiếng cười nói râm ran của cha mẹ và 3 anh em chúng tôi. Thay vào đó, hoặc là tiếng cãi vã của cha me, hoặc là một không khí tĩnh lặng như một ngôi nhà hoang phế chưa từng có dấu chân người.

Đó là ngày mùng 9 Tết, tức là ngày 11/2/2011, tôi đi uống rượu cùng bè bạn. Tàn cuộc nhậu, nghĩ tới ngôi nhà lạnh lẽo của mình, tôi rợn bước chân tới nhà người anh họ và tá túc ở đó. Tôi sợ về nhà đối diện với cha mẹ tôi – những tượng đài kì vĩ phần nào đổ vỡ trong tôi. Đang miên mạn trong giấc ngủ, tôi nghe thấy tiếng gọi thất thanh của mẹ. Mẹ lay thức tôi bằng câu chuyện vì cô tình nhân kia mà bố trở về đánh mẹ, đập phá đồ đạc trong nhà. Những giọt nước mắt trên má mẹ thổi bùng sự giận dữ bấy lâu chôn chặt trong tôi. Tôi lao trở về nhà, tìm con dao và định bụng qua nhà cô Lan cảnh cáo cô ta. Thấy tôi hùng hổ cầm con dao nhỏ cưỡi xe máy vụt lao như gió, cha tôi luống cuống chạy bộ theo sau. Gặp cô Lan ở trên đường, tôi dừng xe và bắt đầu hai bên nảy sinh cự cãi lớn tiếng. Và trong phút giây ấy, phần "con" trong tôi trỗi dậy, tôi đã dùng dao đâm cô ấy trong ánh mắt tột cùng kinh sợ và bàng hoàng của cha khi vừa kịp chạy tới nơi.

Mọi người đưa cô Lan đi cấp cứu còn tôi trở về nhà, chờ đợi một kết cục bi đát đến với mình. Khi công an xã tới nhà tìm tôi, cũng là khi tôi nghe tin cô Lan chết trên đường đi cấp cứu, mẹ tôi gục ngã dưới nền nhà, bà khóc như chưa từng có nỗi đau nào đớn đau như vậy.

Tôi bị kết án 18 năm cho hành vi giết người, ngậm ngùi nhìn tuổi thanh xuân nặng nề trôi sau song sắt. Tôi luôn thầm nghĩ, chẳng bao giờ cha tha thứ cho tôi, thậm chí ông sẽ hận tôi vì đã giết người người đàn bà ông yêu. Nhưng, hồi còn ở trại tạm giam, cha có tới thăm tôi một lần. Tôi chỉ biết khóc và ông vẫn im lặng. Tôi không biết sự im lặng ấy vang lên thanh âm gì, nhưng tôi trân trọng và cho đó là một sự khích lệ lớn lao, là ân huệ cha dành cho đứa con tội lỗi này. Sau này, tôi chuyển đi cải tạo ở trai giam Ninh Khánh. Có thể, vì đường sá xa xôi hoặc vì nhiều điều khó nói khác, cha không tới thăm tôi, nhưng ánh nhìn khắc khổ, vừa xót xa, vừa trách móc của cha trong lần thăm gặp ở trại tạm giam đủ khiến tôi bừng tỉnh ngộ và gom nhặt được chút ấm áp từ đức vị tha nơi ông.

Còn mẹ, lần nào thăm tôi, bà cũng khóc. Bà bảo rằng, tất cả lỗi lầm là của bà, vì bà mà tôi rơi vào nông nỗi này, nhưng tôi không bao giờ đổ lỗi hay trách cứ mẹ. Tôi hiểu, đó là một phút giận dữ, là khi cơn giận dữ cuồng điên đã huy diệt toàn bộ lý trí và phần người trong tôi. Tôi không dám hỏi cha mẹ tôi về cuộc sống hiện tại của họ. Tôi cũng không dám nghĩ họ sẽ đối diện với nhau như thế nào sau lỗi lầm của tôi? Tôi chỉ cầu mong, cha mẹ tôi có thể yêu thương nhau trọn vẹn như ngày xưa, dù biết, điều ấy vô cùng khó khăn. Và, trong thâm tâm tôi, những giấc mơ miên man về thời thơ ấu hãy còn quẩn quanh và lấp lánh. Những giấc mơ hoang trải dài tít tắp...

Ghi theo lời kể của phạm nhân Nguyễn Văn Dương

Trại giam Ninh Khánh