Cơn “sóng thần lặng lẽ”

ANTĐ - Các chuyên gia lương thực của Liên hợp quốc vừa lên tiếng kêu gọi phải đầu tư hơn nữa vào phát triển nông nghiệp nhằm ngăn chặn nạn thiếu hụt lương thực, nguy cơ mà họ đánh giá như “sóng thần lặng lẽ”.

Hạn hán là một trong những nguyên nhân làm sản lượng lương thực thế giới sụt giảm

Từ đầu năm đến nay, tin tức về thị trường lương thực thế giới luôn nóng bỏng. Báo cáo “Giám sát giá lương thực” mà Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 30-8 cho biết trong hai tháng 6 và 7-2012, giá ngô và lúa mỳ đã tăng 25% và giá đậu tương tăng 17% - mức tăng kỷ lục kể từ thời điểm khủng hoảng lương thực thế giới trầm trọng nhất hồi tháng 6-2008.

Nhìn về tương lai, Tổ chức Chống nghèo đói Oxfam dự báo trong vòng 2 thập kỷ tới, giá lương thực thiết yếu có thể tăng gấp đôi. Còn theo Viện Nghiên cứu phát triển thuộc trường Đại học Sussex của Anh, giá ngô xuất khẩu trên thị trường thế giới vào năm 2030 có thể sẽ tăng 177% so với năm 2010, còn giá lúa mì sẽ tăng 120% và giá gạo sẽ tăng 107%.

Nguy cơ thiếu hụt lương thực đã trở thành một trong 4 thách thức lớn nhất với an ninh toàn cầu cùng với ba thách thức khác là giá cả gia tăng, các thảm họa thiên nhiên, biến động và mất ổn định chính trị. Trong khi thế giới vẫn có 870 triệu người phải sống trong cảnh đói nghèo và hàng triệu trẻ em tử vong mỗi năm vì các dịch bệnh do thiếu chất dinh dưỡng, thiếu lương thực sẽ làm thực trạng này trầm trọng thêm, đe dọa việc hoàn thành các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015 như Liên hợp quốc đề ra.

Không khó khăn gì để xác định nguyên nhân khiến giá cả lương thực biến động mạnh. Đó là do tình trạng hạn hán và nắng nóng kéo dài ở nhiều nơi trên thế giới như Mỹ và Đông Âu, cũng như do giá nhiên liệu leo thang. Ngoài ra, việc Mỹ - một trong những vựa ngô lớn nhất thế giới, tăng lượng ngô sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học, cũng góp phần đẩy giá mặt hàng này lên cao. Lượng ngô Mỹ dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học chiếm tới 40% tổng sản lượng ngô của nước này.

Tuy nhiên theo Tổ chức Nông lương LHQ (FAO), việc các nhà hoạch định chính sách trên thế giới sai lầm khi dự đoán sự bùng nổ trong sản xuất lương thực ở nhiều nước sẽ còn kéo dài làm trầm trọng thêm vấn đề. Chính vì vậy mà họ đã không nhận thấy sự cần thiết phải tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu, kỹ thuật, thiết bị và cơ sở hạ tầng nông nghiệp. 

Bằng chứng là từ năm 1980 đến nay, viện trợ phát triển chính thức (ODA) mà các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dành cho nông nghiệp đã giảm 43%. Cả nước giàu và nghèo đều tiếp tục giảm đầu tư cho nông nghiệp, trong khi các nước mới nổi đang ngày càng cần nhiều lương thực hơn cho chăn nuôi.

Thiếu đầu tư nghiêm trọng và có hệ thống vào nông nghiệp đã trở thành vấn đề khó khăn trong 30 năm qua. Để tránh lặp lại tình trạng bạo loạn xã hội vì giá lương thực tăng như đã từng xảy ra ở các nước nghèo hồi năm 2008, thế giới chỉ có một cách duy nhất là tăng đầu tư cho nông nghiệp và nông dân.