Con số đáng trăn trở

ANTĐ - Khi bấm nút đồng ý thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả đầu tư cho tam nông, nhiều đại biểu Quốc hội đã cảm thông với Chính phủ “vấn đề không chỉ là tiền”. Bởi vì đầu tư cho tam nông thực tế chỉ đáp ứng được khoảng 55-60% nhu cầu, cho dù Chính phủ có tăng tỷ lệ cho khu vực này cũng khó đáp ứng nổi. Trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 2,44% nhưng vẫn còn chiếm hơn 9% dân số. Vậy hiệu quả đầu tư ra sao để giảm bớt gánh nặng cho nông dân?

Báo cáo đánh giá đói nghèo năm 2012 của Ngân hàng Thế giới sắp công bố kiến nghị sử dụng mức chuẩn nghèo mới là 653.000 đồng/người/tháng. Với chuẩn này, ước tính khoảng 20% dân số Việt Nam sẽ thuộc diện nghèo, trong đó tỷ lệ nghèo ở thành phố là 6% và ở nông thôn là 27%.

Trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm, sản xuất kinh doanh ngừng trệ, nông sản mặc dù không tồn kho như hàng công nghiệp nhưng lại đang giảm giá chưa từng thấy. Từ lúa gạo, thủy sản, cao su cho tới thịt gia cầm, thịt lợn… kéo nhau “lao dốc” không phanh. Trong khi gần 70% dân số là nông dân, trồng lúa vẫn là nguồn thu nhập, nguồn sống chủ yếu của hàng triệu hộ, thì những con số sau đây thật đáng lo ngại.

Ở miền núi phía Bắc thu nhập trung bình chỉ được 1 triệu đồng/ha/người/năm. Ở đồng bằng Bắc bộ cũng không khá hơn: thu nhập bình quân chỉ vỏn vẹn 1,5 triệu đồng/sào/năm. Mức thu nhập này sau khi đã trừ đi chi phí sản xuất và lúa bán được giá 7.500 đồng/kg. Còn hiện nay giá lúa thương lái thu mua ngay tại ruộng ở đồng bằng sông Cửu Long đã rớt xuống chỉ còn 3.800-4.000 đồng/kg và tiếp tục xu hướng giảm. Chủ nhiệm ủy ban Dân tộc của Quốc hội nhận xét, bình quân chung về hộ nghèo trên cả nước 9% là con số làm tròn. Thực tế ở vùng đồng bào dân tộc miền núi, con số này lên tới 50%. Có những tỉnh mà tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc chiếm 70-80%, thậm chí có huyện đạt 90%. “Chúng ta không nên lấy một con số chung của cả nước để cùng… vui mừng.

Đây là những con số rất đáng trăn trở, rất đáng báo động”, ông Chủ nhiệm Ủy ban bày tỏ. Mặc dù giảm đói nghèo là thành tựu ấn tượng nhất của Việt Nam trong hai thập kỷ qua, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và ca ngợi, nhưng lạm phát và suy giảm kinh tế đang đặt ra những thách thức làm “lung lay” thành quả này. Theo chuyên gia trưởng của Ngân hàng Thế giới, vấn đề đói nghèo và an sinh xã hội đang nổi lên, thể hiện rõ rệt từ thành thị đến nông thôn như nhiều người lao động mất việc, cắt giảm lương; nông dân lao đao vì đầu vào cao, đầu ra vừa thấp, vừa bế tắc. 

Thay đổi chuẩn nghèo mới chứng tỏ tỷ lệ người nghèo giảm, song cũng cho thấy tốc độ giảm nghèo của nước ta đã chậm lại, những rủi ro mới đang nổi lên. Chưa thể vội mừng trước một vài con số, ngược lại đó là con số đáng trăn trở.