Con đường đau khổ của EU

ANTĐ - Trong bối cảnh châu Âu vẫn “rối như tơ vò” với các giải pháp nhằm thoát khỏi gánh nặng nợ công, Tổng thống Pháp F. Hollande lại làm nóng thêm tình hình khi cảnh báo rằng chính sách khắc khổ có thể làm đổ vỡ châu Âu. 

Người Cyrus biểu tình phản đối chính sách cải cách hệ thống ngân hàng của chính phủ

Thực ra, trước đó, 3 viện kinh tế của Pháp, Đức và Đan Mạch cũng đã từng công bố báo cáo chỉ trích mạnh mẽ chính sách khắc khổ mà Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất nhằm cứu Khu vực đồng euro (Eurozone) thoát khỏi nguy cơ sụp đổ do khủng hoảng nợ công. Theo các viện kinh tế trên, đúng là phải làm trong sạch hóa nền tài chính công, tuy nhiên, duy trì nhịp độ tiến trình “trong sạch hóa” này như thế nào cho hợp lý lại là một câu chuyện dài. 

Do cắt giảm chi tiêu, hơn một năm nay, Khu vực Eurozone đã rơi vào suy thoái và tỉ lệ thất nghiệp ngày càng cao. Mới đây, EC đã phác họa ra bức tranh kinh tế u ám đối với 17 nước trong khu vực Eurozone như sau “Sau khi đã giảm 0,6% vào năm 2012, tổng sản phẩm quốc nội của khối lại tiếp tục giảm thêm 0,3% trong năm nay. Thất nghiệp sẽ còn tăng trong năm 2013 và có tới 9 thành viên không thể giảm thâm hụt ngân sách nhà nước xuống dưới ngưỡng 3% như quy định”.

 Theo thống kê, khoảng 26 triệu người của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), trong đó có 7 triệu thanh niên, hiện đang thất nghiệp. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Tây Ban Nha và Hy Lạp. Ở Tây Ban Nha, thất nghiệp trong tháng 1 là 26,2%. Ở Hy Lạp, số liệu mới nhất là số liệu tháng 11-2012 với 27%. Ở hai nước này, giới trẻ phải trả giá thất nghiệp nặng nề nhất. 59,4% số thanh niên dưới 25 tuổi thất nghiệp ở Hy Lạp và 55,5% ở Tây Ban Nha so với 24,2% trong toàn khu vực Eurozone.

Chưa dừng ở đó, nhiều báo cáo nghiên cứu chỉ ra rằng chính sách siết chặt ngân sách đang phản tác dụng, khi việc thu hẹp môi trường kinh doanh giữa các nước trong khối và mỗi thành viên lại tạo ra sự suy thoái cho nước lân cận. Sự rối loạn của hệ thống ngân hàng Cyrus là bằng chứng mới nhất cho thấy hiệu ứng domino từ “cơn bão” khủng hoảng nợ công hiện nay.

Rồi những rối loạn xã hội bắt đầu xuất hiện. Ngay trong khi Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra tại Brussels (Bỉ) hồi tháng 3 vừa rồi, 10 nghìn người đã biểu tình ngoài nơi diễn ra hội nghị để đòi giải quyết vấn đề ngân sách và thất nghiệp của khu vực. Với các biểu ngữ “bãi bỏ thắt lưng buộc bụng”, “bỏ tù các nhà băng”, “giảm ngân sách giáo dục không giải quyết được gì”…, họ khẳng định chính sách mà EU theo đuổi đang phá sản.

Nhiều người đã bắt đầu nêu lên ý tưởng nên xem xét lại “liệu pháp” mà EC đưa ra là ấn định đến năm 2032 các nước thành viên trong khối phải đạt mục tiêu giảm nợ công xuống còn 60% GDP, hay như cho các nước thành viên EU đang gặp khó khăn có thêm thời gian để đáp ứng mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới mức 3% GDP theo yêu cầu của khối.

Như vậy, cắt giảm chi tiêu ở mức vừa phải để giữ nợ công trong ngưỡng cho phép mà có thể kích thích tăng trưởng cũng như giúp giảm thất nghiệp đã được các nhà lãnh đạo EU nhận ra. Tuy nhiên, cân bằng các chính sách “thắt lưng buộc bụng” với tăng trưởng kinh kế vẫn là bài toán khó. Châu Âu còn phải tiếp tục trải qua con đường đau khổ trước khi tìm ra lời giải.