Cơn dịch quái dị!

ANTĐ - Mấy ngày hôm nay trên các trang mạng đang có một cơn dịch, một cơn dịch quái dị mang tên: Anh không đòi quà. Khởi đầu là một nhóm thanh niên học theo một clip láng giềng, ăn theo một tâm sự trên Facebook về một thanh niên đi chơi với bạn gái chỉ mang 100.000 đồng, làm một clip về việc không yêu nhau nữa, đòi quà mà khi còn mặn nồng anh này từng tặng cô ta. 

Và ngay trên phố, cô gái lần lượt gỡ khăn, kính, trang sức và cao điểm cô cởi áo, cởi váy trả lại chàng trai, cứ thế nồng nỗng nội y lang thang trên phố cho đến khi một chàng trai đến gạ gẫm: nếu chia tay, anh không đòi quà, cô gái ấy lên xe đi theo chàng trai. Mặc dù ngay lập tức, các phản hồi trên Facebook đã vạch ra clip này đạo ý tưởng của một clip ra đời cách đây đã 2 năm, nhưng không hiểu tại sao, một trung tâm giải trí ở một tỉnh nọ lại đánh tiếng mời nhóm này đi biểu diễn. Vậy là “dịch bệnh” xảy ra. Trong tuần qua, gần như mỗi ngày trên mạng xuất hiện một clip với nội dung tương tự. Hết anh đòi quà em rồi đến em đòi quà anh, rồi cả hôi quà tặng, giành giật nhau quà tặng… Nhưng tất cả đều có cái kết giống nhau là nồng nỗng nội y lang thang trên phố.

Một đạo diễn đã vạch ra cái lý do để các bạn trẻ đua nhau làm clip nội dung này. Đó là được cởi, được khoe thân dưới chiêu bài nghệ thuật. Nếu như bài khoe thân dưới các hình thức ảnh sex đã quá nhàm chán với những cặp mắt mệt mỏi vì ham muốn, thì clip có lợi thế khoe thân với thời gian dài hơn, lại có chút đất diễn. Vậy là OK, cởi tất. Xem các clip này tôi có cảm giác dự một đêm diễn thoát y mà các cô gái cứ theo yêu cầu khán giả gỡ từng mảnh quần áo để khoe da thịt trước mắt mọi người. Cái dở là các cô gái diễn thoát y thì chấp nhận sự sa đọa để kiếm tiền, còn hầu hết các cô gái trong các clip này đều là hotgil, những cô gái lành, có học, có mơ ước. Có điều, các cô không hiểu, không mấy các nghệ sĩ vào đời bằng hành vi… cởi cả. Chặng cuối của các cuộc phiêu lưu này đã rõ.

Rất tiếc, cho đến nay, chưa có một chế tài, một giám sát nào loại được các clip hư hỏng kiểu này trên mạng để các em nhỏ không tiếp xúc với “văn hóa thoát y” này. 

Còn riêng với các cô gái, tôi chỉ thương các em, da thịt, con người các em là vốn quý, là vốn liếng cho hạnh phúc đời người của các em. Bán rẻ như vậy, sau này các em làm sao kiếm tìm được hạnh phúc.