Con đi học, cha mẹ bị “quấy”

ANTĐ - “Chị có phải là phụ huynh của cháu Phương Mai không, chúng tôi muốn hỏi anh chị có nhà không để chuyển tới cháu phần mềm học tập miễn phí...” - đây chỉ là một trong nhiều sản phẩm đang “tấn công” các gia đình thông qua thông tin liên hệ từ trường học.

Sản phẩm bút chống cận đắt gấp chục lần so với bút thông thường

Từ ngạc nhiên đến khó chịu

“Mấy ngày nay gia đình nhà mình liên tục nhận được điện thoại của một cô hẹn đến gặp để giới thiệu sản phẩm bút chống cận thị. Mình rất ngạc nhiên khi cô này gọi đúng tên con mình và cho biết, sản phẩm này đã được nhà trường chấp nhận thử nghiệm” - chị Kiều Nguyệt Nga, khu tập thể Thành Công, Ba Đình cho biết. Nhân viên này giải thích, sản phẩm bút chống cận đã áp dụng trong trường học của con gái chị và đã được công nhận tác dụng nên được nhà trường cho thông tin để giới thiệu sản phẩm đến các phụ huynh.

Theo nhân viên này, thiết bị có cảm biến hồng ngoại, giúp bố mẹ không phải giám sát con cái. Thay vào đó, chip điện tử của bút sẽ phát tín hiệu đèn báo cho học sinh biết phải điều chỉnh lại tư thế ngồi hay cách cầm bút sai. Tuy nhiên, khi hỏi giá của sản phẩm này thì được biết có mức gấp nhiều lần so với một chiếc bút máy thông thường, từ 150.000 đến hơn 200.000 đồng/bút.

Cũng tương tự, chị Nguyễn Mai Khanh, phụ huynh cháu Phương Mai, học sinh một trường tiểu học thuộc quận Đống Đa cho biết, chị khó từ chối việc lắp đặt phần mềm học tập tại nhà sau khi nhận được cuộc điện thoại thông báo là đang có chương trình khuyến mại miễn phí cho học sinh của trường con mình đang học. “Mặc dù là được sử dụng miễn phí nhưng gia đình vẫn trả cho nhân viên 100.000 đồng gọi là chi phí lắp đặt. Ngoài ra, nhân viên này cho biết, nếu trả thêm 100.000 đồng nữa thì gia đình có thể được sử dụng phần mềm này ở tất cả các lớp tiểu học” - chị Khanh cho biết. Vậy là từ miễn phí, chị Khanh đã mất 200.000 đồng cho một chương trình phần mềm trên mạng mà chưa rõ con mình sẽ sử dụng được bao nhiêu lần.

Tuy nhiên, sau lần này, chị Khanh cho biết, còn rất nhiều chương trình tiếng Anh, chương trình du học, lớp ngoại khóa... được thông báo đến gia đình đều với lời giới thiệu từ trường của con mình thì chị đã rút kinh nghiệm để không mất thêm thời gian tiếp xúc và không phải tốn tiền vì các sản phẩm, dịch vụ ngoài mong muốn. “Các phụ huynh khác cũng gặp tình cảnh tương tự. Tuy không phải là bắt ép, chúng tôi có thể mua hay không mua sản phẩm, dịch vụ của họ nhưng điều khiến chúng tôi băn khoăn là nhà trường khi cung cấp thông tin của chúng tôi cho các dịch vụ này thì có được lợi nhuận gì không và liệu chăng các công ty này có đang lợi dụng danh nghĩa liên kết với trường học để kiếm tiền hay không?”. Theo chị Khanh, phần lớn các phụ huynh khi nghe nhân viên giới thiệu về trường của con mình, biết cả tên con mình học lớp mấy thì thường có tâm lý nể nang, dễ dàng chấp nhận bỏ tiền mua các sản phẩm, dịch vụ.  

Ảnh hưởng đến cảnh quan sư phạm

Theo ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên Sở GD-ĐT Hà Nội, hiện Sở này đã cập nhật các thông tin từ cơ sở, cho thấy có nhiều tổ chức, cá nhân dưới nhiều danh nghĩa khác nhau liên hệ với các nhà trường và các cơ sở giáo dục để thực hiện quảng cáo bằng hình ảnh, pa nô, áp phích và các sản phẩm bằng hiện vật như  nước uống, lương thực, thực phẩm, rau xanh, hoa quả, đường, sữa, bánh kẹo, dịch vụ xuất ăn sẵn, trang phục, sách, vở, đồ dùng bút, mực, túi sách, cặp sách... Điều này gây mất mỹ quan, ảnh hưởng tới cảnh quan sư  phạm trong trường và xung quanh khu vực, gây mất an toàn cho học sinh.

Tuyệt đối không để bất kỳ  tổ chức, cá nhân nào được quảng cáo bằng các hình ảnh, pa nô, áp phích và các sản phẩm bằng hiện vật mà chưa được sự cho phép của cơ quan quản lý giáo dục cấp trên là yêu cầu của ngành giáo dục Thủ đô đối với các trường học ngay thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới 2012-2013. Theo đó, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường học thực hiên nghiêm túc quy định của UBND thành phố và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin - Truyền thông về thông tin quảng cáo. Các nhà trường và các cơ sở giáo dục chỉ được phép treo các khẩu hiệu, pa nô, áp phích của ngành quy định và các khẩu hiệu, pa nô, áp phích phục vụ theo đúng nhiệm vụ chính trị, chuyên môn.

Bên cạnh đó, ông Mai Sỹ Nhật cũng thông báo Sở GD-ĐT nghiêm cấm các trường học và các cơ sở giáo dục liên kết với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống chưa được thẩm định và cho phép của Bộ GD-ĐT, của Sở GD-ĐT vào giảng dạy chính khoá, ngoại khoá và tổ chức các hoạt động trong nhà trường. Với các chương trình giáo dục kỹ năng sống, nhà trường và các cơ sở giáo dục chỉ thực hiện theo chương trình đã được ngành chỉ đạo lồng ghép trong các môn học và chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp.