- Quốc hội Mỹ xác nhận ông Joe Biden thắng cử
- Đã xác định được nạn nhân thiệt mạng khi đột nhập tòa nhà Quốc hội Mỹ
- Nghị sĩ Mỹ kêu gọi luận tội Tổng thống Donald Trump
“Cơn bão” ở Điện Capitol diễn ra hôm 6-1 trong bối cảnh những người ủng hộ ông Trump biểu tình phản đối việc xử lý kết quả bầu cử năm 2020 và sau nhiều tháng Tổng thống Donald Trump vẫn khẳng định có gian lận bầu cử. Chính vì quan điểm không chấp nhận thua cuộc của ông Trump mà hàng nghìn người ủng hộ ông đã bị kích động, xông vào tòa nhà Quốc hội trong nỗ lực ngăn các nhà lập pháp kiểm phiếu đại cử tri. Theo cảnh sát, cuộc bạo động đã khiến 4 người chết - 1 phụ nữ bị bắn và 3 người khác phải cấp cứu y tế.
Trong số 4 trường hợp tử vong, 1 phụ nữ bị Cảnh sát tại Điện Capitol bắn khi đám đông cố gắng phá cửa đã chặn trong căn phòng mà cảnh sát được trang bị vũ khí đang cố thủ ở phía bên kia. Cảnh sát trưởng Robert Contee cho biết, ngoài ra còn có 1 phụ nữ và 2 nam giới thiệt mạng sau khi được cấp cứu y tế quanh khu vực tòa nhà Quốc hội. Nguyên nhân tử vong của 3 người được cấp cứu sẽ do cơ quan giám định xác nhận. Nhưng trước khi xảy ra vụ bạo loạn khiến Thủ đô Washington D.C phải áp dụng lệnh giới nghiêm, cư dân mạng đã nhiều ngày bàn tán về viễn cảnh cuộc biểu tình trở thành bạo lực như vậy.
Cảnh sát Mỹ đã phải rất vất vả ngăn người biểu tình tràn vào tòa nhà Quốc hội |
Những kẻ gây bạo loạn là ai?
Trước khi xảy ra các cuộc biểu tình nhằm quấy rối sự kiện kiểm phiếu đại cử tri chính thức ở Washington D.C, những lời kêu gọi bạo lực có thể được tìm thấy trên các nền tảng xã hội như Twitter, TikTok hay diễn đàn trực tuyến được thành lập năm ngoái để ủng hộ ông Donald Trump.
Ông Trump, người luôn đề cao nền tảng “luật pháp và trật tự” dường như đã đánh gục hàng nghìn người ủng hộ ông bằng những lời hùng biện cứng rắn vào sáng 6-1. Ngay sau đó, họ đã tiến đến trụ sở của Quốc hội - biểu tượng của nền dân chủ và xông vào một cách dữ dội, làm hư hại tòa nhà, khiến cảnh sát bị thương và dừng quy trình bắt buộc thực hiện theo hiến pháp để chứng nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Những kẻ gây bạo loạn đó là người ủng hộ Tổng thống được kêu gọi hành động trên mạng xã hội. Theo CNN, đám đông những người ủng hộ Trump này bao gồm những người theo thuyết âm mưu có liên hệ với QAnon và Proud Boys - hai phe cực hữu mà Tổng thống Donald Trump nhiều lần từ chối lên án trong chiến dịch tranh cử của ông năm ngoái.
Theo CNN, cuộc “nổi dậy” ở Quốc hội Mỹ này là cơ hội phô trương hiếm có của các lực lượng đại diện cho các phong trào “bên lề”. Một trong những nhân vật dễ nhận biết nhất trong các video và hình ảnh về cuộc hỗn loạn trên Đồi Capitol là một người đàn ông khoảng 30 tuổi với khuôn mặt được sơn, đội mũ lông gắn sừng. Jake Angeli hay có biệt danh là QAnon Shaman, với vẻ bề ngoài kỳ quái và đáng sợ, đi lang thang trong các sảnh của Điện Capitol, cầm một lá cờ Mỹ gắn trên một ngọn giáo. Trang Facebook của Jake Angeli chứa đầy các bài đăng gợi lên các thuyết âm mưu của QAnon, những người tin vào một giả thuyết lố bịch rằng có một nhóm tôn thờ quỷ Satan đã xâm nhập vào các cơ quan cao nhất của Chính phủ Mỹ và đang bị Tổng thống Trump phản đối.
Một số bài đăng trên Facebook của Angeli còn có khía cạnh bạo lực, chẳng hạn như tuyên bố: “Chúng ta sẽ không có hy vọng sống sót thực sự cho đến khi chúng ta treo cổ những kẻ phản bội đang rình rập chúng ta”. Thực tế, hình ảnh từ cuộc bạo loạn đầy rẫy những biểu tượng hận thù đáng lo ngại, trong đó có cả ảnh về chiếc thòng lọng được treo ở phía tây của Điện Capitol.
Một gương mặt đáng chú ý khác là Nick Ochs, người sáng lập của Proud Boys Hawaii, một chi hội của nhóm cực hữu. Ochs đã đăng trên Twitter bức ảnh tự sướng cảnh anh ta đang hút thuốc trong tòa nhà Quốc hội. “Chúng tôi không cần phải đột nhập, tôi chỉ đi vào và quay phim. Có hàng ngàn người trong đó, họ không kiểm soát được tình hình. Tôi không bị ngăn cản hay bị thẩm vấn”, Ochs nói với kênh CNN.
Một trong những bức ảnh được chia sẻ rộng rãi nhất từ cuộc hỗn loạn cho thấy Richard “Bigo” Barnett, lãnh đạo của một nhóm ủng hộ quyền sử dụng súng ở Gravette, Arkansas, đang nằm dài trong văn phòng của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi với chân gác lên bàn làm việc. Sáng cùng ngày, người đàn ông này đã đăng trên Facebook bức ảnh mang cờ Mỹ với chú thích “Đã đến lúc” đồng thời đề nghị cầu nguyện “khi chúng tôi cố gắng hết sức để bảo vệ những người yêu nước của chúng tôi ở Thủ đô”.
Ngay như người phụ nữ bị bắn chết trong tòa nhà Quốc hội, có tên Ashli Babbitt ở San Diego, không rõ theo phong trào nào để tham gia cuộc biểu tình ở Thủ đô. Babbit là một cựu binh từng 14 năm phục vụ Không quân Mỹ, hiện cùng chồng sở hữu một doanh nghiệp ở San Diego. Mẹ chồng của Babbit cho biết: “Tôi thực sự không biết tại sao cô ấy lại quyết định làm điều này”. “Ashli vừa trung thành cũng như vô cùng đam mê với những gì cô ấy tin tưởng. Cô ấy yêu đất nước này và cảm thấy vinh dự khi được phục vụ trong Lực lượng vũ trang của chúng tôi. Hãy tôn trọng sự riêng tư của gia đình trong thời gian này”, thông báo của gia đình nạn nhân viết.
Người biểu tình với trang phục kỳ quái đột nhập Đồi Capital ngày 6-1 |
Phản ứng sốc và tương lai của ông Donald Trump
Các nhà lãnh đạo thế giới đã bày tỏ lo ngại về tình hình bất ổn xảy ra tại tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Thủ đô Washington D.C, đồng thời lên án bạo lực diễn ra và hối thúc Mỹ chuyển giao quyền lực có trật tự.
Thủ tướng Anh Boris Johnson viết trên Twitter: “Cảnh tượng đáng xấu hổ ở Quốc hội Mỹ. Mỹ là đại diện cho nền dân chủ trên toàn thế giới và điều quan trọng bây giờ là cần phải có một sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và có trật tự”.
“Nền dân chủ của Mỹ đêm nay xuất hiện trong tình trạng bị bao vây. Đây là một cuộc tấn công vô hình đối với nền dân chủ, các thể chế và pháp quyền của nước Mỹ. Đây không phải là nước Mỹ. Kết quả bầu cử của ngày 3-11 phải được tôn trọng đầy đủ”, nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu Joseph Borrell Fontelles nói.
Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau nói với hãng tin Vancouver hôm 6-1 rằng ông đang theo dõi tình hình. “Thủ tục bầu cử quan trọng đang diễn ra ở Mỹ và tôi nghĩ tất cả chúng ta đều muốn và cần nó diễn ra đúng cách và hòa bình. Vì vậy, chúng tôi chắc chắn hy vọng mọi thứ sẽ lắng dịu”.
Người phát ngôn của Liên hiệp quốc Stephen Dujarric cho hay: “Trong những tình huống như vậy, điều quan trọng là các nhà lãnh đạo chính trị cần nhấn mạnh với người ủng hộ họ về sự cần thiết phải kiềm chế, tránh bạo lực, cũng như phải tôn trọng các quy trình dân chủ và thượng tôn pháp luật”. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã đăng khuyến cáo trên website, cảnh báo công dân nước này tăng cường cảnh giác và giữ an toàn trong bối cảnh “biểu tình quy mô lớn” ở Washington DC và lệnh giới nghiêm được chính quyền địa phương công bố.
Đặc biệt, vụ bạo loạn đã tạo nên một làn sóng phản đối dữ dội trong lòng nước Mỹ. Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden gọi vụ hỗn loạn này là một “cuộc nổi dậy” chứ không phải biểu tình, đe dọa tới sự an toàn của các quan chức được bầu chọn. Ông Biden nhấn mạnh thế giới đang chứng kiến vụ việc và bản thân ông thấy sốc và buồn với những gì đang diễn ra. “Nền dân chủ của chúng ta đang hứng chịu một vụ tấn công chưa từng có”, ông Biden nói và cũng khẳng định công việc trong 4 năm tới sẽ là khôi phục dân chủ cho nước Mỹ. Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy cho rằng bạo lực là “quá phi Mỹ”. “Tôi không thể thất vọng hơn về hình ảnh đất nước của chúng ta vào thời điểm này. Mọi người đang bị tổn thương”.
Cũng theo nhiều nguồn tin, vụ bạo loạn đã khiến một số người trong Nội các của Tổng thống Trump tổ chức họp sơ bộ về việc viện dẫn Tu chính án thứ 25 nhằm bãi chức Tổng thống. Tu chính án số 25 được Quốc hội phê chuẩn vào năm 1967 quy định về việc phế truất người đứng đầu Chính phủ trong trường hợp Tổng thống không đủ năng lực lãnh đạo đất nước hoặc qua đời khi tại chức. Nhiều quan chức Mỹ đã đề nghị Phó Tổng thống Mike Pence nghiêm túc cân nhắc sử dụng Tu chính án 25 để “bảo toàn nền dân chủ”.
“Tổng thống Trump đã cho thấy ông không đủ minh mẫn và vẫn chưa thể tiếp nhận và chấp nhận kết quả kỳ bầu cử năm 2020. Việc Tổng thống Trump sẵn sàng kích động bạo lực và bất ổn xã hội để đảo ngược kết quả bầu cử bằng bạo lực rõ ràng chứng tỏ điều này”, tuyên bố của các thành viên của Ủy ban Tư pháp Hạ viện kêu gọi kích hoạt tu chính án này. Quyết định phế truất Tổng thống vì lý do “không còn đủ năng lực lãnh đạo nước Mỹ” chưa từng được sử dụng trước đây. Và nếu nó được sử dụng, lại vào thời điểm chỉ còn 2 tuần nữa là Tổng thống Trump mãn nhiệm thì đúng là sự việc có một không hai trong lịch sử.