Thủ khoa 2 khối của Đại học Nông nghiệp:

Cô sinh viên đi ngược “trào lưu”

ANTĐ - “Dân” Hà Nội nhưng lại nhất quyết thi vào ngành nông đã là một quyết định khá lạ nhưng còn hơn thế nữa, cô thủ khoa này đã đi ngược “trào lưu” khi bỏ qua ĐH Ngoại thương và ĐH Y để theo ngành Công nghệ Sinh học, ĐH Nông nghiệp.

Mất 1 năm để biết mình thích gì

Quyết đoán và tự tin giúp Phương đạt được thành công bước đầu

Cũng như phần lớn học sinh THPT năm lớp 12 chỉ biết chúi vào ôn thi, đánh vật với Toán-Lý-Hóa hay Văn-Sử-Địa... Chử Bích Phương cho biết, dù rất yêu thích các môn Sinh, Hóa nhưng vì thuận theo ý của bố mẹ Phương đã chọn thi vào ngành kinh tế ĐH Ngoại thương trong kỳ tuyển sinh ĐH 2010. Là dân chuyên Hóa-ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, Phương không mấy khó khăn để đỗ cùng một lúc 2 trường thuộc nhóm “danh giá”  ĐH Y Hà Nội và ĐH Ngoại thương. “Kinh tế ở Việt Nam hiện đang là ngành hot. Việc em đã không lựa chọn theo sở thích của mình mà vẫn quyết định vào ĐH Ngoại thương cho thấy đam mê của em chưa đủ lớn để thoát ra khỏi trào lưu chung” - Chử Bích Phương già dặn khi phân tích quyết định của mình trước đây.

Vào được một trường như ĐH Ngoại thương có thể là mơ ước của rất nhiều thí sinh cũng như các bậc phụ huynh. Bố mẹ của Phương chắc chắn cũng rất hài lòng khi con gái mình đã đỗ được một trong những trường có điểm xét tuyển cao nhất nhì toàn quốc. Tuy vậy, chỉ sau 1 học kỳ, Phương càng nhận thấy ngành kinh tế không thực sự phù hợp với mình. “Em học không thua kém các bạn nhưng không hiểu sao không thấy hứng thú với ngành kinh tế dù đang ở trong môi trường đào tạo lý tưởng với những sinh viên có định hướng tương lai liên quan đến lĩnh vực này”.

Vẫn với ham mê môn Sinh từ trước, Phương vẫn tự mầy mò đọc sách cả tiếng Anh, tiếng Việt trong quá trình học ở ĐH Ngoại thương. Và rồi qua quá trình tìm hiểu thông tin về trường, được trực tiếp tiếp xúc với các sinh viên khóa trước của trường ĐH Nông nghiệp, Phương đưa ra một quyết định gây sốc cho bố mẹ: dừng học ĐH Ngoại thương để thi lại vào kỳ thi năm sau với đích đến là ĐH Nông nghiệp. “Em đã mất 1 năm để biết mình thích gì. Quả thật là việc suy nghĩ kỹ và tìm hiểu thông tin rõ ràng trước khi chọn vào trường ĐH nào là điều rất quan trọng với mỗi thí sinh”.

Không nghĩ đến chuyện quay lại

“Em đang bảo lưu kết quả học ở ĐH Ngoại thương. Liệu đây có phải là một bước đề phòng cho bước lội ngược dòng?” - “Như tất cả các phụ huynh khác, bố mẹ em đã phản ứng rất mạnh khi em đề cập tới việc thi lại vào ĐH Nông nghiệp. Việc bảo lưu kết quả ở ĐH Ngoại thương cũng là để bố mẹ em yên tâm còn em đã mất một năm để suy nghĩ thì chắc không thể phí phạm thời gian để quay lại một lần nữa. Ai học kinh tế thì cũng thấy như vậy là rất lãng phí” - Phương khẳng định.

“Cùng đăng ký thi vào ĐH Nông nghiệp ở cả khối A và B, điều này có phải chứng tỏ quyết tâm của em sẽ chỉ chọn một con đường duy nhất?” - “Như chị biết, em đã dừng học ĐH để thi lại. Em muốn kết quả chắc chắn nên tốt nhất là đăng ký thi cả 2 khối” - “Kết quả đỗ thủ khoa cả 2 khối có bất ngờ với em?” - “Vấp phải sự phản đối khá gay gắt của bố mẹ. Nhiều người họ hàng, bạn bè cũng góp ý kiến. Em đã rất đau đầu để đi theo lựa chọn của mình. Vì vậy chỉ có cách là phải nỗ lực hết sức để đỗ bằng được. Chính vì vậy, đạt kết quả cao có lẽ không quá bất ngờ với em”- Phương chia sẻ.

Nói về sự lựa chọn đến lĩnh vực nghiêng về nông nghiệp trong khi mình là dân thành phố, Phương cho biết, từ nhỏ em đã có xu hướng thích gần gũi thiên nhiên ở quê mình hơn là không khí ngột ngạt nơi đô thị. Vì vậy công việc liên quan đến nông nghiệp có vẻ là sự lựa chọn phù hợp với sở thích của cô gái Hà thành. “Không phải ai cũng ưu tiên các ngành thời thượng mà bỏ qua nông nghiệp. Khi dự thi, em gặp rất nhiều thí sinh ở các tỉnh lên. Điểm thi của các bạn ấy rất khá, có thể đỗ vào các trường kinh tế khác nhưng các bạn ấy nói rằng vốn quen với đồng ruộng nên muốn gắn bó với nghề nông và muốn đưa công nghệ vào công việc này trong tương lai” - Phương cho biết.

Trả lời câu hỏi rằng liệu đây có phải là sự lựa chọn phiêu lưu, Chử Bích Phương cười vui vẻ “ngành công nghệ sinh học sẽ là một trong những ngành cần nhiều nhân lực trong tương lai. Cơ hội công việc có lẽ sẽ không thua kém bất cứ ngành khác. Nếu có cơ hội đi du học, em sẽ tận dụng để được tiếp cận với những công nghệ mới nhất trong lĩnh vực sinh học để đem lại những ứng dụng thực tế. Vừa có cơ hội học tập lên cao vừa được nghiên cứu ứng dụng là mong ước của em. Đây là sự lựa chọn rất sáng suốt đấy chứ ạ?”.