Cổ phiếu bị "làm phép", nhà đầu tư dễ trắng tay

ANTD.VN - Báo cáo tài chính (BCTC) doanh nghiệp nhập nhèm là nguyên nhân khiến không ít nhà đầu tư khi hôm trước còn sở hữu khối tài sản lớn trên sàn chứng khoán, hôm sau đã trắng tay.

Nhiều nhà đầu tư lỗ nặng vì báo cáo tài chính gian dối của doanh nghiệp

BCTC được coi là bức tranh phản ánh “sức khỏe” của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua trên thị trường chứng khoán Việt Nam, không ít BCTC tự lập của doanh nghiệp thiếu trung thực, nhập nhèm dẫn đến hàng loạt nhà đầu tư “đón sóng” rơi vào cảnh lỗ nặng.

Lãi khủng thành lỗ nặng

Ngay những phiên giao dịch đầu xuân Đinh Dậu, cổ phiếu của Công ty CP Hùng Vương (HVG) - một doanh nghiệp trong ngành chế biến cá tra liên tục giảm sàn. Lúc này, thông tin về việc HVG “bốc hơi” hơn 2.000 tỷ đồng doanh thu, tức là đang từ lãi khủng thành lỗ được công bố khiến nhiều nhà đầu tư phát hoảng. 

Cụ thể, doanh thu thuần của doanh nghiệp giảm từ 19.921 tỷ đồng (số liệu trước đó do doanh nghiệp công bố) xuống còn 17.884 tỷ đồng sau kiểm toán. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của Hùng Vương chỉ còn 58,8 tỷ đồng, giảm tới 86% so với trước kiểm toán (406 tỷ đồng) và giảm 62% so với thực hiện năm 2015. Lợi nhuận thuộc về công ty mẹ là âm 49,3 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 309 tỷ đồng trước kiểm toán.

Chưa dừng ở đó, ngày 8-2, Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM cũng phát đi thông báo về việc đưa cổ phiếu HVG vào diện cảnh báo từ ngày 15-2. Nguyên nhân là do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2016 của Hùng Vương là âm 49,3 tỷ đồng - căn cứ BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2016, thuộc trường hợp chứng khoán niêm yết bị cảnh báo theo quy định của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Tình trạng doanh nghiệp cố tình gian lận làm cho đẹp báo cáo tài chính  rất phổ biến với nhiều mức độ, từ nhỏ đến lớn, từ tinh vi đến trắng trợn

Dù phía HVG đã đưa ra giải trình, nhưng với việc chỉ giải trình được 2 khoản giảm trị giá gần 400 tỷ đồng, cổ phiếu của doanh nghiệp này vẫn không cải thiện là bao. Tính đến thời điểm này, mã cổ phiếu HVG chỉ ở mức 6.750 đồng/cổ phiếu, giảm nhiều so với mức giá 9.000 đồng thời điểm trước Tết.

Đây chỉ là một trong số không ít trường hợp nhà đầu tư ăn phải “trái đắng” khi tin vào BCTC của doanh nghiệp. Trước đó, cổ phiếu TTF của Gỗ Trường Thành cũng khiến hàng loạt nhà đầu tư trắng tay khi bị phát hiện BCTC thiếu 980 tỷ đồng hàng tồn kho, dẫn đến khoản lỗ hơn 1.100 tỷ đồng trong quý II-2016. Cổ phiếu TTF giảm không phanh từ 43.600 đồng/cổ phiếu xuống quanh mức 5.000 đồng/cổ phiếu. 

Không có tín hiệu tích cực nào cho nhà đầu tư đã đổ tiền vào TTF khi doanh nghiệp này tiếp tục công bố BCTC quý IV-2016 với khoản lỗ thêm 145,7 tỷ đồng, đưa lỗ lũy kế lên đến 1.621 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu tính đến cuối năm âm hơn 195 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp này đang có nguy cơ phải hủy niêm yết.

“Chuột to nên mèo sợ”

Đây là bình luận của ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) khi nói về việc nhiều doanh nghiệp cố tình, thậm chí trắng trợn gian lận BCTC trong khi các cơ quan chức năng không đủ năng lực để kiểm soát.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, BCTC của các doanh nghiệp sai sót có hai nguyên nhân, trong đó khách quan do trình độ nhân viên kế toán yếu, chưa cập nhật sự thay đổi của chính sách. Bên cạnh đó, tình trạng doanh nghiệp cố tình gian lận làm cho đẹp BCTC  rất phổ biến với nhiều mức độ, từ nhỏ đến lớn, từ tinh vi đến trắng trợn.

“Nhiều doanh nghiệp lên sàn, vốn ảo gấp hàng trăm lần vốn thật, họ tạo doanh thu giả, lập công ty ma để giao dịch với mục đích để “làm giá” cổ phiếu. Cả thị trường biết, nhà đầu tư bất bình nhưng cơ quan hữu quan… không biết” - ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết và khẳng định sắp tới sẽ có báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính về trường hợp một số doanh nghiệp trong diện như vậy.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, hiện nay, hành vi gian lận về BCTC, thao túng, làm giá cổ phiếu đã được đưa vào Bộ luật Hình sự với chế tài cụ thể nhưng rất ít trường hợp bị xử lý. “Liệu có phải thị trường nhiều chuột to quá nên mèo (đội ngũ giám sát, thanh tra) sợ” - ông Hải ví von.  

 Đồng tình với ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc tư vấn đầu tư một công ty chứng khoán cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp đang sử dụng nhiều thủ thuật để “làm giá” cổ phiếu trong khi thực tế cũng cho thấy nhiều trường hợp có sự “thông đồng” giữa doanh nghiệp và kiểm toán để bỏ qua sai phạm của doanh nghiệp.

Vì vậy, chuyên gia này khuyên nhà đầu tư nên xem xét cẩn thận tất cả các khoản mục trong BCTC của doanh nghiệp như doanh thu, chi phí, hàng tồn kho, khấu hao, các khoản phải thu, các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết… “Thói quen của nhà đầu tư là thường chỉ chú ý đến con số doanh thu, lợi nhuận hiện tại mà không tìm hiểu nguồn gốc của các con số này” - chuyên gia này nói.

Ông cũng cảnh báo nhà đầu tư cần chú trọng vào những khoản mục đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết đặc biệt khi những doanh nghiệp này không niêm yết nên không có nghĩa vụ phải công bố thông tin. Đây chính là chiêu mà nhiều doanh nghiệp dùng để tuồn tiền huy động được từ bên ngoài.