
- Kiến trúc sư Lý Trực Dũng: Hành lang pháp lý của chúng ta đã có, chặt chẽ là đằng khác, chỉ có điều, những người thực hiện nó có nghiêm túc hay không mà thôi. Ý tôi là, đang có vấn đề ở khâu thực thi. Nếu bây giờ, lật hết văn bản pháp lý về trùng tu di tích, tôi nghĩ sai sót nhỏ cũng khó mà “lách” được, chứ chưa nói đến việc “động trời” như ở chùa Trăm Gian. Tôi nói ví dụ thế này, nhà sư trụ trì chùa Một Cột từng than phiền rằng, chỉ xin sửa một cái mái dột thôi cũng phải đủ các loại văn bản giấy tờ, rất nhiêu khê. Nếu nó là một công trình dân sinh bình thường thì việc này đơn giản lắm. Nhưng đã là di tích là phải nghiêm túc, phải có quy trình hẳn hoi. Ví dụ có thay ngói thì cũng phải xem là ngói gì, kích cỡ ra sao để tránh không có những “dị vật” lọt vào công trình kiến trúc cổ.
- Thưa ông, lâu nay người ta cứ than phiền thiếu nhân lực trong trùng tu tôn tạo. Là một người trong nghề, ông thấy, vấn đề nhân lực có thực sự khan hiếm không?
- Một số đồng nghiệp mà tôi biết, họ rất có kinh nghiệm trong việc tu bổ di tích kiến trúc gỗ. Họ nghiêm túc trong nghề, oái oăm là nghiêm túc lại luôn bị “bật bãi”. Họ hầu như không nhận được công trình, nếu họ làm theo đúng lương tâm. Di tích lịch sử không phải là nơi bám vào để làm tiền, để kinh doanh, để nhận “hoa hồng”. Nhưng xin lỗi là tôi phải nói thẳng, một số người đã coi đó là một nơi để thu lợi bất chính. Tôi đã từng sang Đức, Nhật, Lào, Campuchia… để học cách tu bổ của các chuyên gia nước ngoài. Kỹ thuật thì mỗi nơi thực hiện một cách khác nhau, nhưng họ cùng có điểm chung, đã là di tích thì không thể xâm phạm. Tôi từng có chuyến công tác tại Myanmar, giữa Thủ đô là một ngôi chùa được làm từ 8 tấn vàng, trên trần khảm rất nhiều ngọc, rồi kim cương… Có cái lạ, câu đầu tiên của những người Việt Nam khi đến thăm di tích này thắc mắc là “Không mất cắp à?”. Tất nhiên người Myanmar họ cũng có hình thức bảo vệ, nhưng cái mà du khách thấy được là sự tự giác. Với họ, đó là thứ tôn giáo nghiêm túc, chứ không phải thứ mượn tôn giáo để làm tiền.
- Có nhà nghiên cứu đã đau đớn thốt lên rằng, tu bổ đôi khi cũng là hình thức xâm hại, ông có đồng tình với quan điểm này?

- Thực tế có không ít trường hợp, các di tích chờ tu bổ trong mòn mỏi và cực chẳng đã, họ mới phải làm cái chuyện “vượt rào”?
- Chuyện này, tôi nghĩ phải cần có sự giúp đỡ của truyền thông. Để chùa, đình, đền xuống cấp những người có liên quan phải bị buộc trách nhiệm. Phải rõ ràng rằng, một hồ sơ xin cấp phép tu bổ, cơ quan cấp phép buộc phải trả lời có được tu bổ hay không, nếu không thì tại sao. Và thời hạn buộc phải trả lời cho từng hồ sơ là bao nhiêu ngày. Không thể để mãi tình trạng chùa dột, xin sửa mà chờ cả tháng trời trong khi mùa mưa bão đến gần. Tôi từng chứng kiến có ngôi chùa sắp sập, sư cụ phải cho người mang cột tre vào chống. Khổ lắm! Trong khi mãi không được cấp phép. Hiện di tích được quản lý theo kiểu phân cấp, phân cấp không có nghĩa là địa phương toàn quyền. Đến khi có chuyện lại bảo tôi phân cấp rồi, không quản lý là có tội với các di tích đấy.
- Thưa ông, vậy chúng ta phải làm gì để cứu di sản?
- Ngoài việc cố gắng giữ gìn những gì mà cha ông để lại, tôi nghĩ ngay lúc này, cơ quan điều tra cần phải vào cuộc để xác định xem ở những cuộc “đại trùng tu” phần nhiều mang tính hồn nhiên, những người thực thi có thực sự hồn nhiên hay không? Hay đó là sự hồn nhiên có lợi? Chỉ có tách bạch giữa hồn nhiên và mưu lợi cá nhân trong việc tu bổ di tích, thì lúc đó di sản mới qua được nạn “bạ đâu cũng trùng tu tôn tạo”!